Cây đòn gánh của mẹ
Ảnh minh họa |
Cái đòn gánh gợi lên nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui trong dặm trường cuộc sống. Cái đòn gánh được hối hả lật trở hết vai trái đến vai phải khi mẹ gánh lúa, gánh rau, gánh mắm muối lên tận non cao rồi về biển thẳm. Cái đòn gánh biểu trưng cho lòng can đảm, khổ đau cùng đức hy sinh - là khởi thủy cho chuẩn mực yêu thương của biết bao người mẹ ở đời…
Có cả cái đòn gánh nặng nề, gieo neo nung nẩy trên vai bố hết công này đến việc nọ. Bố tôi làm nghề gánh thuê. Những ngày đắt khách bố phải khó nhọc điều tiết từng nhịp thở để lồng ngực khỏi đuối hơi trên quãng đường dài gánh gồng trĩu trịt.
Có hôm bố không được ai đoái hoài thuê gánh, đôi vai hao mòn của người đàn ông thôn dã thuần phác dẫu được nghỉ ngơi chút đỉnh nhưng lòng thì vẫn cứ nao nao khó chịu. Những lúc như vậy, bố lại có dịp nâng niu cái đòn gánh nhẵn thín, láng bóng như trân trọng chính nỗi khó khăn cùng tình thương yêu dành cho vợ con…
Biết bao cái đòn gánh vẫn đang nhịp nhàng làm bạn trên đôi vai của những phận đời nghèo khổ. Tôi đã từng thất thần và sẽ không ngừng xốn xang khi bắt gặp bóng dáng của một người bà, người mẹ, người bố, người anh... xuất hiện với cái đòn gánh trên vai, nơi tôi đã từng đi qua và cả chốn chưa được một lần ghé chân tới. Cái đòn gánh đè lên những tấm lưng còng có một sức hút kỳ lạ, khiến tôi lúc nào cũng thích thú ngắm nghía và miên man chẳng khi nào đừng...
Thẳm sâu nơi tiềm thức mỗi người nông dân, cái đòn gánh là một phần không thể tách rời trong suốt cuộc đời. Đòn gánh với con cò, tượng trưng cho người mẹ tảo tần đã nhiều lần xuất hiện nhọc nhằn trong những câu ca dân gian như: “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Rồi trong quan niệm sống, người nhà quê cho rằng không nên sử dụng những cái đòn gánh có đốt chẵn, bị vênh hay có mắt tre ngay chính giữa vai gánh vì như thế buôn bán sẽ khó và cuộc sống sẽ gặp nhiều trắc trở…
Cứ thế, cái đòn gánh bé nhỏ, bình dị đã trở thành một nét đẹp văn hóa bền vững, sáng lung linh giữa cuộc sống xô bồ…