Chật vật xử lý DN chây ỳ nợ bảo hiểm xã hội
Trong khi Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang đứng trước nguy cơ bị vỡ thì hàng chục nghìn tỷ đồng tiền đóng BHXH đang bị DN nợ đọng chây ỳ và dường như chưa có hướng giải quyết. Luật quy định là bắt buộc DN phải đóng bảo hiểm (BH) cho người lao động nhưng DN không đóng cũng. .. chịu. Thậm chí cơ quan BHXH đã phải dùng đến biện pháp kiện ra tòa nhưng cũng không xong.
“Chúng tôi đã dùng mọi biện pháp có thể đôn đốc DN nộp BH. Thậm chí đã phải kiện ra tòa hơn 300 đơn vị. Nhưng vẫn nan giải lắm. Số tiền nợ BH hiện là 1.500 tỷ đồng”, ông Đặng Đình Thuận – Phó giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho biết.
Nguyên nhân DN nợ BH nhiều, một phần do làm ăn khó khăn
Không những vậy, ngay chính cơ quan BHXH cũng không biết được còn bao nhiêu DN chưa đóng BHXH cho người lao động, vì theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số DN đang hoạt động là 300.000 nhưng cơ quan BHXH thì ghi nhận chỉ có 150.000 cơ quan, đơn vị và DN đăng ký tham gia BHXH. Ở các DN đã đóng BHXH thì cơ quan BH cũng không biết chắc được DN đã đóng đầy đủ theo số lao động hợp đồng đủ tiêu chuẩn hưởng BHXH chưa bởi DN có thể không đóng đầy đủ BHXH cho người lao động bằng những cách như không làm hợp đồng lao động hoặc hợp đồng với thời hạn thấp hơn quy định, hoặc không kê khai đầy đủ số lượng lao động cũng như tiền lương của người lao động khi tham gia BHXH... Ông Hoàng Văn Dũng – Phó chủ tịch VCCI cũng phải thừa nhận rằng: “Khó có thể nói các DN đã chấp hành nghiêm chính sách về BHXH”.
Nguyên nhân DN nợ BH nhiều, một phần do làm ăn khó khăn không còn nguồn tài chính để thực hiện nghĩa vụ, nhưng cũng có một số DN cố tình không đóng dù đã trừ vào khoản thu nhập của người lao động. Nan giải nhất là thiệt hại rơi vào người lao động khi đến thời điểm họ được hưởng chính sách của Nhà nước từ khoản tiền này.
Theo ông Đỗ Văn Sinh – Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến 31/12/2013 có đến 54.000 DN nợ quỹ BHXH 12.000 tỷ đồng. Như vậy có khoảng 700.000 người lao động bị chủ sở hữu lao động vi phạm quyền lợi, trong đó có tới 26.000 lao động sẽ không có cơ hội được giải quyết quyền lợi BHXH do DN đã phá sản. Đáng chú ý là có tới 3.000 DN thuộc loại nợ chây ỳ với số nợ lên tới 1.200 - 1.300 tỷ đồng, trong đó hơn 1.500 DN chưa thấy làm thủ tục phá sản nhưng đã không còn giao dịch với cơ quan BHXH.
Theo số liệu mà anh Nguyễn Dương – Phó trưởng phòng nghiệp vụ thu của BHXH Hà Nội cung cấp, có những trường hợp điển hình như Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment nợ tới 61 tháng, số nợ tới 18 tỷ đồng, Công ty Điện thoại di động CDMA nợ 53 tháng, số nợ hơn 9 tỷ đồng, CTCP Lilama 3 nợ 14 tỷ đồng đã 33 tháng. Riêng DN thuộc Hà Nội quản lý cũng có tới 27 DN đang nợ BHXH nhưng chủ DN đã bỏ trốn, như Công ty TNHH TK Toàn Cầu, Công ty TNHH Duomo Vina...
“Đây là vấn đề đã được nói nhiều, nhưng chưa có hướng giải quyết triệt để… Chế tài xử phạt quá nhẹ, chỉ phạt hành chính với mức phạt cao nhất là 75 triệu đồng không đủ sức răn đe. Mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng. Vậy nên nhiều DN thà không đóng, trốn đóng, nợ lâu lấy vốn còn hơn vay vốn ngân hàng”, theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng thanh tra Chính phủ nhận định, trong những năm gần đây, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH đang gia tăng với tính chất ngày càng tinh vi, đa dạng, phức tạp và nguyên nhân thì nhiều do bất cập của pháp luật, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để buộc DN tuân thủ.
Rất nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung tội danh về trách nhiệm tham gia BHXH vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và coi đây là biện pháp mạnh, mang tính răn đe nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của đối tượng. Lúc đó mới hy vọng vấn đề chậm, chây ỳ, trốn thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH của người sử dụng lao động sẽ chấm dứt.
Tri Nhân