Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ trở lại trong tháng 4
Lạm phát gia tăng nhưng không quá quan ngại | |
Điều hành lãi suất: Không chỉ căn cứ vào lạm phát trong nước | |
Ba kịch bản cho CPI 2018 |
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, mặc dù trong tháng 4 có 6 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá, song mức tăng đều khá nhẹ.
Cụ thể, tăng mạnh nhất là nhóm Giao thông, tăng 1,18%, do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 7/4/2018 và thời điểm 23/4/2018 (tác động làm CPI chung tăng 0,11%). Đứng thứ 2 về mức độ tăng là nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,18% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và giá điện, nước sinh hoạt tăng. Các nhóm còn lại chỉ tăng rất nhẹ, từ 0,02% đến 0,08%.
Trong khi trong tháng, ngoài nhóm Đồ uống và thuốc lá đứng giá, 4 nhóm còn lại đều giảm. Đáng chú ý, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI – có mức giám lớn nhất khi tiếp tục giảm 0,18%. Trong đó, Lương thực tăng 0,12% chủ yếu do giá gạo xuất khẩu tăng; Thực phẩm giảm 0,33% do giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm giảm (riêng giá thịt lợn tăng 1,25%); Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,04%. 3 nhóm còn lại chỉ giảm rất nhẹ từ 0,01% đến 0,08%.
Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng 1,05%; còn so với tháng 4 năm 2017, CPI tăng 2,75%. CPI bình quân 4 tháng năm 2018 so với cùng kỳ lại giảm nhẹ về 2,8% từ mức 2,82% trong tháng 3.
Về diễn biến 2 nhóm hàng hóa đặc biệt, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 3,67% so với cuối năm 2017 và tăng 5,41% so với cùng kỳ. Trong khi tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định khi chỉ số USD tháng 4 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 0,32% so với cuối năm 2017 và tăng 0,29% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017, lạm phát cơ bản tăng 1,34%.
Diễn biến giá cả 4 tháng đầu năm đã làm vơi đi nỗi lo của không ít chuyên gia kinh tế, những người từng nhận định lạm phát năm nay có thể cao hơn nhiều so với năm 2017.
Tuy nhiên, sức ép lạm phát vẫn còn rất lớn từ cả bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế. Bên ngoài giá cả hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là dầu thô tiếp tục tăng cao; đồng USD cũng có xu hướng tăng giá, do kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa trong năm nay, sẽ ảnh hưởng tới giá hàng nhập khẩu và cuối cùng là lạm phát trong nước.
Trong khi sức ép từ nội tại nền kinh tế cũng rất lớn khi mà tổng cầu đang trên đà phục hồi nhanh trở lại; giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý như điện, nước, y tế, giáo dục… tăng theo lộ trình.
Vì vậy, các chuyên gia kinh tế tiếp tục khuyến nghị là nên tiếp tục cẩn trọng với lạm phát, đặc biệt việc tăng giá các mặt hàng do nhà nước cần phải tính toán kỹ lưỡng về mức độ và thời điểm để tránh tạo kỳ vọng lạm phát cao.