Chi tiêu công bỏ sót nhiều đối tượng
Tiến bộ của Việt Nam về phát triển con người không đồng đều và đang chậm lại trong vài năm gần đây. Cảnh báo này được phát đi từ Báo cáo Phát triển con người Việt Nam năm 2015 về tăng trưởng bao trùm, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) công bố mới đây.
Chi tiêu công bỏ sót nhiều đối tượng
Báo cáo đã chỉ ra rằng, bất bình đẳng gia tăng nhanh chóng đã khiến phát triển con người chậm lại. Bà Pratibha Mehta, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào cả nhóm người nghèo và nhóm người có thu nhập không cao hơn nhiều so với chuẩn nghèo, những người làm việc trong khu vực không chính thức, người di cư đến đô thị và nông dân.
Biểu hiện rõ nét của vấn đề này là các chính sách an sinh xã hội (ASXH) như y tế, giáo dục, yếu tố có vai trò đóng góp lớn cho chỉ số phát triển con người, thì nguồn lực cho các lĩnh vực này lại chưa được chi tiêu hiệu quả.
Việt Nam chi tiêu không ít cho y tế, giáo dục, nhưng hiệu quả không cao |
Ông Nguyễn Tiên Phong, Trợ lý Giám đốc UNDP tại Việt Nam, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, người Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đều chi rất nhiều cho các dịch vụ này. Hiện nay mức độ chi tiêu đang là 6,6% GDP cho y tế và 7,8% GDP cho giáo dục (năm 2012), tức là ở mức cao so với các nước có mức thu nhập trung bình và so với mức chung trong khu vực. Nhưng do không được quản trị tốt, hệ thống này vẫn không đáp ứng được yêu cầu.
Đơn cử như trong khi chi tiêu công của Việt Nam cho ASXH nói chung bằng 2,8% GDP thì riêng phần trợ giúp xã hội chỉ chiếm 0,4% GDP. Việt Nam đã phát triển hệ thống ASXH thành 2 nhánh rõ ràng với bảo hiểm xã hội tương đối hào phóng cho những người làm việc trong khu vực chính thức và trợ giúp xã hội rất hạn chế cho những người nghèo nhất.
Sự bao phủ hạn chế của hệ thống ASXH như vậy đã dẫn tới tình trạng bỏ sót nhóm ở giữa, gồm nhóm cận nghèo và nhóm trung lưu lớp dưới thường làm việc ở khu vực phi chính thức. Những người này hoặc là chưa đủ tiêu chuẩn để được nhận trợ giúp xã hội, hoặc là chưa có khả năng tiếp cận bảo hiểm xã hội. Do đó những đối tượng này ở trong tình trạng dễ bị tổn thương khi phải đối phó với các cú sốc và có khả năng rất hạn chế để đầu tư cho tương lai.
Về giáo dục, ông Phong nhận định, chúng ta đang phân bổ ngân sách không đều, dẫn đến thiếu hiệu quả. “Chúng ta chi khoảng 25% cho giáo dục, trong đó gần một nửa (12%), là cho giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong 12% đó, chúng ta lại chi quá nhiều cho hạ tầng mà chưa chú trọng đến đội ngũ giảng dạy, cải tiến giáo trình...”, ông Phong nói.
Bên cạnh đó, chi tiêu cho tất cả các bậc học còn lại như mầm non, tiểu học, trung học cũng chỉ bằng chi cho đại học. Đây cũng là điều bất cập, bởi theo các chuyên gia, chi tiêu cho giáo dục mầm non còn quá thấp, trong khi ở độ tuổi này trẻ em cần được phát triển tốt nhất, tạo tiền đề cho những bước tiếp theo.
Hiệu quả hoạt động kinh tế bị kìm hãm
UNDP lưu ý, tầng lớp trung lưu có vai trò then chốt đối với sự tăng trưởng và ổn định chung. Mặc dù bất bình đẳng tại Việt Nam chưa phải là quá lớn, song đã có sự xuất hiện của tầng lớp này. Nhóm này chủ yếu bao gồm người lao động ở khu vực phi chính thức với mức thu nhập thường không đủ để gia đình có thể chống chịu với những cú sốc, nhưng họ cũng chưa “đủ nghèo” để được hưởng lợi ích của hệ thống ASXH và miễn phí dịch vụ. Nhóm có số lượng rất lớn và quan trọng này thiếu rất nhiều cơ hội để cải thiện cuộc sống.
Nhìn rộng ra, chính sách bỏ sót nhóm đối tượng quan trọng này cũng chính là nguyên nhân làm suy giảm hoạt động kinh tế. Điều này tác động qua 2 kênh. Thứ nhất, bất bình đẳng phá huỷ thị trường vốn, làm tăng chi phí và hạn chế nguồn cung vốn. Nguồn vốn được phân bổ kém hiệu quả, thường dành ưu tiên cho các hoạt động đầu cơ thay vì hoạt động sản xuất.
Kết quả là những hạn chế đối với việc mở rộng năng lực sản xuất và tinh thần kinh doanh có tác động lâu dài và rõ ràng đến những người thuộc các nhóm dân cư có mức thu nhập trung bình và thấp hơn, làm giảm cơ hội việc làm hiệu quả, chèn ép các DN nhỏ và giảm đầu tư vào giáo dục.
Thứ hai, các xã hội bất bình đẳng có xu hướng thiếu sự gắn kết bởi tầng lớp trên thường lạm quyền cho lợi ích cá nhân, dẫn tới hệ quả là sự ra đời của các chính sách mang tính “dân tuý”, ngắn hạn. Những xã hội này có xu hướng đánh thuế nhiều hơn và các quyền về tài sản thường ít an toàn hơn, gây trở ngại đến hoạt động đầu tư. Các định chế chính thức cũng có xu hướng kém hiệu lực hơn.
UNDP cảnh báo, ngay trong lúc này, việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu càng dẫn đến sự thu hẹp đáng kể chính sách do những ràng buộc của các hiệp định quốc tế. Chưa kể gần đây, với nợ công tăng nhanh thì dư địa tài khoá cũng bị thu hẹp lại, ảnh hưởng đến những đầu tư của Nhà nước cho hạ tầng cơ sở cứng và mềm và chi cho ASXH. Như vậy, hỗ trợ của Nhà nước để giúp không chỉ những người nghèo nhất mà còn những người dễ bị tổn thương ở nhóm giữa cũng có nguy cơ bị thu hẹp lại, khiến những đối tượng này càng dễ bị tụt lại phía sau.
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng trung bình 1,92%/năm từ năm 1990 - 2000, nhưng giảm xuống mức 1,33% mỗi năm trong giai đoạn 2000 - 2008 và giảm xuống 0,69%/năm từ năm 2008, thấp hơn mức bình quân (1,29%) của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. |