Chiến lược nào cho ngành bán lẻ
Ưu thế kênh bán lẻ hiện đại
Kênh bán lẻ hiện đại hiện đang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài của những nhà sản xuất hàng Việt. Hiện tại, kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 20% tổng thị trường bán lẻ trong nước nhưng có tiềm năng phát triển lớn và dự kiến đến năm 2020 sẽ chiếm 40% thị phần bán lẻ cả nước. Theo bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương, chính cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tác động tích cực làm tăng tỷ trọng hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại và hiện chiếm từ 70-90% lượng hàng hóa kinh doanh của kênh này.
Hiện hàng Việt chiếm ưu thế áp đảo tại các siêu thị. (Ảnh: ĐK)
Qua đánh giá của Tập đoàn Gray & Christmas, Inc. (Mỹ), trước khi có cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì có đến 77% người tiêu dùng Việt ưa chuộng hàng nước ngoài. Tuy nhiên, sau 3 năm con số này được đảo ngược với tỷ lệ 71% người Việt ưa chuộng và sử dụng hàng Việt. Đây được cho là bước tiến lớn của hàng Việt và cũng là cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam bán tại thị trường nội địa. Trong đó vai trò của hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ rất quan trọng. Hiện cả nước có hơn 8.700 chợ, trong đó hơn 20% là trung tâm thương mại; 698 siêu thị. Hàng Việt trong siêu thị thời điểm năm 2006 chỉ chiếm khoảng 50% thì đến nay, nhiều siêu thị chiếm từ 95-100% là hàng Việt như Vinatex-Mart, Co.op mart, BigC…
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), vị thế hàng Việt được nâng lên như hiện nay là có sự đóng góp không nhỏ của các nhà bán lẻ hiện đại với vai trò cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời là nỗ lực của cộng đồng DN trong việc từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước. Nhiều DN Việt đã mở rộng mạng lưới bán hàng, khai thác và kết hợp nguồn lực của nhiều DN trở thành một hệ thống có quy mô lớn và trình độ tổ chức ngày càng cao. Qua đó một số nhà bán lẻ đã tổ chức được mô hình bán lẻ theo chuỗi với số lượng cửa hàng tăng nhanh như Liên hiệp các HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh; Sài Gòn Co.op, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)…
Chiến lược cho tương lai
Xu hướng mua sắm hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng lựa chọn các loại hình bán lẻ hiện đại tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích... TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam xuất phát từ con số “không”. Trước đây chỉ là bán lẻ truyền thống gồm các ki ốt, sạp hàng hóa ở các tuyến phố. Đến nay Việt Nam đang hình thành và phát triển xu hướng bán lẻ hiện đại với nhiều loại hình như siêu thị, cửa hàng đặc chủng/chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa/siêu thị hàng hiệu, bán hàng trên mạng...
Hapro là một trong những điển hình của một nhà bán lẻ thành công trên thị trường nội địa và đưa hàng Việt Nam vào trong các kênh phân phối với 3 trung tâm thương mại, hơn 40 siêu thị và cửa hàng tiện ích, 36 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Hapro và khoảng 200 cửa hàng kinh doanh quy mô nhỏ. Doanh thu từ hệ thống bán lẻ của Hapro trong các năm gần đây đạt trên 4.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các mã hàng Việt Nam tăng bình quân hàng năm từ 30-40%. Trong hệ thống bán lẻ của tổng công ty hiện nay có khoảng 15.000 mã hàng hóa, trong đó tỷ trọng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ nội địa chiếm từ 60-80%.
Chia sẻ kinh ngiệm thành công ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó tổng giám đốc Hapro cho biết, DN chú trọng tới xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống kho hàng, nguồn hàng, giá cả cạnh tranh và liên kết thị trường… Trong những năm qua, Hapro đã tập trung đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh nội địa, tăng cường hoạt động bán lẻ tại thị trường trong nước, nhất là thị trường ngoại thành Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Chủ động nguồn hàng để cung cấp cho người tiêu dùng là thế mạnh của Hapro. Nguồn hàng hóa Việt Nam tại hệ thống bán lẻ chủ yếu do Tổng công ty trực tiếp sản xuất. Bên cạnh đó khai thác từ các nhà máy, xí nghiệp, trang trại hoặc từ các nhà phân phối, nhà cung cấp lớn có uy tín trong nước.
Bên cạnh đó về giá cả bán tại hệ thống bán lẻ của Hapro luôn ở mức hợp lý nhất, dựa trên nguyên tắc bám sát thị trường tại cùng thời điểm, vừa đảm bảo tính cạnh tranh, vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt trong những năm qua, hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hapro đã triển khai tập trung vào thị trường khu vực nông thôn, ngoại thành, vùng sâu, vùng xa… thông qua các chuyến bán hàng Phiên chợ Việt, bán hàng nông thôn, hàng bình ổn giá… để đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng.
Nhiều DN bán lẻ cũng đang có những chiến lược nhằm xây dựng và phát triển mạnh hơn nữa trong lĩnh vực này. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, phải tiếp tục nâng dần hơn nữa hàng Việt trong hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại; Tiếp thu những kinh nghiệm của các đơn vị hệ thống siêu thị của cả nước trong việc kinh doanh hàng Việt nhằm đưa ra các giải pháp, biện pháp để thời gian tới hàng Việt đứng vững trong hệ thống bán lẻ.
Nhà sản xuất lớn không thích nhà phân phối trực tiếp Với dân số 90 triệu dân, Việt Nam hứa hẹn là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất cũng như bán lẻ. Tuy nhiên việc xây dựng thị trường nội địa rất khó khăn bởi tâm lý người Việt sính đồ ngoại thường muốn thể hiện đẳng cấp qua thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Các nhà sản xuất lớn thường chọn cho mình đại lý cấp 1, cấp 2 là nhà phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường, mà không lấy hệ thống siêu thị là nhà phân phối trực tiếp. Vì vậy, chúng tôi phải lấy hàng từ các đại lý này khiến giá thành sản phẩm bán ra phải cộng thêm chi phí của đại lý, dẫn đến giá bán trong siêu thị nhiều khi bị cao hơn bên ngoài. Vũ Thị Hậu - Phó tổng giám đốc CTCP Nhất Nam (Hệ thống siêu thị Fivimart) |
Nguyễn Minh – Khanh Đoàn