Chính phủ kiến tạo và hành động: Nhiệm vụ quan trọng nhất nhiệm kỳ 2016-2020
Thống nhất hành động nhằm tạo động lực mới cho phát triển |
Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) năm 2016 ngày 9/12 có chủ đề: "Chính phủ kiến tạo và hành động - động lực mới cho phát triển". Quan điểm “xây dựng hệ thống hành chính quốc gia thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp” cũng được coi đây là một nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam năm 2016 |
Phát biểu tại Diễn đàn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ một số định hướng và giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trên:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh. Kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương, chuyên nghiệp.Tập trung cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhũng nhiễu; giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính; xử lý nghiêm vi phạm.
Hai là, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh; có các chính sách giải pháp đột phá cho phát triển. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN-4. Mong Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác phát triển hỗ trợ kinh nghiệm và các nguồn lực để chúng tôi phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.
Ba là, tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh - coi đây là một trọng tâm của năm 2017. Triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên vốn cho phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sự lan tỏa và kết nối phát triển
Bốn là, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường trongthực hiện Kế hoạch 2016-2020. Thành lập Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN. Đối với các DNNN thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu mà không thể tháo gỡ được thì xem xét cho bán, phá sản theo quy định của pháp luật. Thực hiện công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng.
Năm là, nợ công ngày càng là một thách thức chính sách vĩ mô của Việt Nam. Cùng với việc huy động nguồn lực cho phát triển, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát các dự án sử dụng vốn vay theo đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ; chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng trả nợ vay.
Kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vay vốn. Sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Chiến lược và Chương trình quản lý nợ công trung hạn.
Sáu là, việc xử lý nợ xấu là hết sức quan trọng như các ý kiến chuyên gia nêu tại Diễn đàn hôm nay; nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng. Chính phủ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là xử lý tài sản bảo đảm; nâng cao năng lực và cơ sở pháp lý của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC); phát triển thị trường mua bán nợ. Yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu, gắn với cơ cấu lại nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch, tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Bảy là, Chính phủ Việt Nam khẳng định bảo đảm an sinh xã hội luôn là một nhiệm vụ ưu tiên. Xác định rõ vai trò, phạm vi tham gia, chức năng điều tiết của Nhà nước trong lĩnh vực này đi đôi với khuyến khích xã hội hóa. Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là một trọng tâm chỉ đạo của Chính phủ phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.
Tám là, Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn với kim ngạch thương mại gần 170% GDP, chúng tôi luôn chủ động hội nhập quốc tế và nỗ lực để triển khai hiệu quả 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Trong đó, việc thực hiện Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) là cơ hội tốt để mở rộng thị trường nhưng cũng phải nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn cao của EU. Việt Nam tiếp tục hợp tác với các đối tác ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Úc... để thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại đem lại lợi ích tốt nhất cho các bên.