Doanh nghiệp khẩn trương cho bứt phá dịp cuối năm
Tiếp tục giảm thuế VAT là cần thiết Nhiều tín hiệu tích cực giúp GDP cán đích |
Để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, nhiều nhà bán lẻ đã lên kế hoạch cụ thể. Dự kiến tổng giá trị hàng hóa thiết yếu dự trữ cho 2 tháng (trước, trong và sau Tết Ất Tỵ 2025) của nhiều hệ thống bán lẻ ước tăng từ 15% đến 20% so với Tết Giáp Thìn 2024. Đặc biệt, có đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp về việc đảm bảo giá và nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu khi có nhu cầu về sản phẩm trong từng lĩnh vực và ổn định trước trong và sau Tết.
Thời điểm này, nhu cầu không chỉ tăng về số lượng mà còn đa dạng về chủng loại. Nhất là đối với ngành hàng thực phẩm, sự thiếu hụt sản phẩm như bánh kẹo, giỏ quà Tết có thể khiến doanh nghiệp mất thị phần ngay trong giai đoạn bán hàng sôi động nhất.
Theo ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market, một số nhà bán lẻ đang làm mới hoạt động kinh doanh với hàng loạt sự kiện trọng tâm hướng đến mùa mua sắm cuối năm thu hút người tiêu dùng quay trở lại với điểm bán trực tiếp. Điển hình, hệ thống MM Mega Market tiến hành thu hẹp diện tích cho nhóm hàng phi thực phẩm (chăn, drap, gối, quần áo...), tăng diện tích trưng bày hàng thiết yếu, nhất là hàng tươi sống. Sự điều chỉnh này dựa trên cơ sở đo lường phản ứng tiêu dùng của khách hàng và kết quả kinh doanh của các ngành hàng. Nhu cầu tiêu dùng thay đổi, nhà bán lẻ cũng phải thay đổi, bán đúng cái khách hàng cần để giữ chân khách.
Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị chu đáo để nắm bắt cơ hội "vàng" dịp cuối năm |
Bên cạnh đó, uy tín là yếu tố cốt lõi để xây dựng lòng trung thành từ khách hàng. Một doanh nghiệp có khả năng cung ứng đầy đủ sản phẩm trong mọi tình huống sẽ tạo được sự tin tưởng lớn. Ngược lại, sự thiếu hụt hàng hóa, đặc biệt trong thời gian cao điểm, sẽ làm giảm đáng kể hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng tết kỹ và chặt chẽ hơn những năm trước. Hệ thống đã làm việc với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, ổn định giá cả thị trường. Đây là cơ hội "vàng" để các doanh nghiệp gia tăng doanh thu. Nếu có chiến lược nhập hàng phù hợp và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp không chỉ tận dụng được sức mua lớn mà còn có thể tối đa hóa lợi nhuận.
Nhiều doanh nghiệp đã đạt doanh thu cao kỷ lục nhờ việc chuẩn bị hàng hóa đầy đủ từ sớm. Các chiến lược như giảm giá sốc, tặng kèm quà hoặc bán hàng combo chỉ thực sự hiệu quả nếu doanh nghiệp đảm bảo lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong suốt mùa cao điểm.
Khi doanh nghiệp có kế hoạch nhập hàng rõ ràng và hợp lý, họ có thể kiểm soát tốt chi phí vận hành. Việc nhập hàng sớm, đủ số lượng giúp doanh nghiệp tránh được các chi phí phát sinh như vận chuyển gấp, nhập hàng bổ sung trong ngắn hạn hoặc xử lý hàng tồn kho không cần thiết.
Hơn nữa, sử dụng các phần mềm quản lý tồn kho sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi sát sao lượng hàng hóa, tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu rủi ro thừa hoặc thiếu hàng.
Khách hàng ngày càng yêu cầu cao hơn về sự nhanh chóng và tiện lợi. Khi đến một cửa hàng hoặc truy cập trang web mua sắm, họ mong muốn tìm được sản phẩm mình cần mà không phải mất thời gian chờ đợi. Nếu không được đáp ứng, khách hàng sẽ có xu hướng chuyển sang các thương hiệu khác.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) chia sẻ, năm nay đơn vị chuẩn bị nguyên vật liệu từ rất sớm để phục vụ người tiêu dùng. Hiện toàn hệ thống đang tập trung nâng cao năng suất, bảo đảm cung ứng ra thị trường 930 tấn thực phẩm tươi sống và gần 3.700 tấn thực phẩm chế biến cho hơn 120.000 điểm bán hàng chế biến trên cả nước. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp nào chuẩn bị hàng hóa tốt hơn sẽ chiếm ưu thế trong việc giành lấy thị phần.
Việc chuẩn bị hàng hóa đầy đủ và đảm bảo chất lượng không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng trong ngắn hạn mà còn xây dựng nền tảng phát triển bền vững trong dài hạn. Một doanh nghiệp quản lý tốt chuỗi cung ứng và hàng tồn kho sẽ đạt hiệu quả kinh doanh tốt và tối ưu hóa được tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và rủi ro tài chính.
Đây cũng là cách để doanh nghiệp thể hiện sự chuyên nghiệp, uy tín và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ việc dự đoán chính xác nhu cầu, lập kế hoạch nhập hàng đến quản lý tồn kho hiệu quả, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh thu, nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ vững vị thế trên thị trường. Trong bối cảnh dịp lễ Tết đang đến gần, các doanh nghiệp cần chuẩn bị thật chu đáo để nắm bắt cơ hội "vàng" và bứt phá trong kinh doanh.