Chính phủ vẫn thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ
Bội chi ngân sách quý 1 ước khoảng 4,05 nghìn tỷ đồng | |
Quản lý nợ công: Một đầu mối hay phân quyền? | |
Dự án Luật quản lý nợ công sửa đổi: Khó kiềm chế nợ công gia tăng |
Những con số tích cực từ những phiên phát hành trái phiếu Chính phủ và những hiệp định vay vốn mới được ký kết, một mặt cho thấy mức độ tín nhiệm của Việt Nam khá tốt, ngân sách được bổ sung thêm nguồn trong điều kiện đất nước vẫn đang cần rất nhiều những khoản chi đầu tư và an sinh xã hội.
Ảnh minh họa |
Nhưng phía sau mặt tích cực là những băn khoăn trăn trở kéo dài từ năm này sang năm khác - nợ công đang tăng nhanh, vay rồi phải trả mà cảnh ngân sách cứ hụt trước thiếu sau kéo dài liên miên. Gần đây, tăng thêm những mối lo mới cho câu chuyện nợ nần của quốc gia - trước những thông tin FED sẽ còn tăng lãi suất hai lần nữa trong năm nay, khi đó nếu tỷ giá tăng sẽ đẩy tăng số nợ. Và từ “nợ công”, mặc dù vẫn luôn gây “cảm xúc mạnh” với xã hội, nhưng các chuyên gia và các cơ quan nghiên cứu gần đây đã nhìn thấy tín hiệu tích cực hơn từ tình hình nợ công, và những giải pháp đã thực hiện để bảo đảm an toàn nợ công - cho dù phía trước vẫn là câu chuyện trả nợ.
Trong bản Báo cáo kinh tế thường niên 2017, Ban Kinh tế trung ương cho rằng nợ công đang có xu hướng chuyển đổi tích cực hơn thể hiện ở cơ cấu nợ công: nợ trong nước tăng, lãi suất giảm mạnh, kỳ hạn dài hơn, thời gian đáo hạn lên đến 5,6 năm.
Nhưng với cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 được phê duyệt với mức bội chi NSNN khoảng 178,3 nghìn tỷ đồng, tương đương với 3,5% GDP, Ban Kinh tế trung ương dự kiến dư nợ công đến 31/12/2017 khoảng 64,8% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,3%, dư nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,4% GDP.
Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực đến năm 2020 (%). (Nguồn: IMF, World Economic Outlook database) |
Ban Kinh tế trung ương cho rằng nếu năm 2017 tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu 6,7% thì có thể đối diện với rủi ro nợ công vượt trần 65% GDP. Bên cạnh đó, cũng tồn tại một số rủi ro trong quá trình vay nợ: không chỉ quy mô nợ tăng nhanh mà còn áp lực trả nợ lớn.
Như vậy trong bối cảnh bội chi ngân sách vẫn ở mức cao sẽ tạo áp lực trả nợ lên thu ngân sách và vay đảo nợ. Hơn nữa, tỷ lệ đồng USD, JPY tương đối cao trong dư nợ ngoại tệ của Chính phủ (tương ứng 44% và 32%), do đó những biến động bất định trên thị trường tài chính thế giới có thể ảnh hưởng đến quy mô nợ cũng như nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Ban Kinh tế trung ương có lưu ý: nợ Chính phủ so với GDP dự kiến ở mức 53,1% cũng vượt ngưỡng 50% như Quốc hội quy định đang tạo sức ép lên nghĩa vụ trả nợ.
Thận trọng nhưng không quá hốt hoảng mỗi khi thấy con số nợ tăng lên, trần nợ nguy cơ bị phá vỡ - quan trọng hơn cả là vay để dùng sao cho hiệu quả, vay và sẽ trả thế nào… Và vấn đề lo là những nguyên nhân đẩy tăng nợ công có được giải quyết.
Tính toán sự biến đổi con số nợ công khi tỷ giá thay đổi nếu FED tăng lãi suất, TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho biết: nợ công của Việt Nam sẽ tăng không đáng kể. FED đã cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất 2 lần nữa trong năm nay. Tính toán sự thay đổi giá một số đồng tiền khi FED tăng lãi suất, ông Khôi cho rằng đến cuối năm 2017, nợ công của Việt Nam chỉ tăng thêm khoảng 10 triệu USD và năm 2018 chỉ tăng thêm khoảng 100 triệu USD.
Giải tỏa vấn đề trả nợ hiện tại, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết: Chính phủ vẫn thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ với cả những khoản vay trong nước cũng như những khoản vay nước ngoài.
Hiện Bộ Tài chính đã thực hiện các giải pháp để đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Thường xuyên đánh giá mức an toàn nợ công, nợ Chính phủ, tăng cường giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh cũng như nợ của chính quyền địa phương. Tiếp tục cơ cấu lại nợ trong nước, tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên và “đã thực hiện thành công việc hoán đổi trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn còn lại dưới 5 năm để tái cơ cấu danh mục nợ”. Như vậy phần nào giảm được áp lực trả nợ.
Tuy nhiên nếu chỉ thấy tỷ lệ nợ công/GDP cao thì đây không phải là nỗi lo quá lớn, nhưng “nợ công đã chạm ngưỡng cảnh báo những rủi ro vĩ mô đang ngày càng gia tăng”, GS-TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân lưu ý. Và gánh nặng nợ công để tài trợ cho chi đầu tư phát triển vẫn rất lớn nên để đảm bảo thực hiện tốt việc kiểm soát nợ công trong những năm tới, thực sự cần thiết phải cơ cấu lại chi đầu tư phát triển mà chủ yếu là đầu tư XDCB và nợ công trong trung hạn.