Chính sách đồng bộ, nền kinh tế sẽ vận hành trơn tru
Thống đốc Lê Minh Hưng: Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung và dài hạn | |
Ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu | |
Chính sách tài khóa – tiền tệ ngày càng đồng điệu |
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, diễn biến kinh tế quốc tế và trong nước có nhiều biến động nên việc xây dựng các chính sách không chỉ phải nhanh nhạy mà còn cần có sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Năm qua, mặc dù vẫn còn một số thời điểm lệch pha nhưng điều đáng mừng, sự phối hợp đang dần được nhịp nhàng hơn.
Từ câu chuyện “hậu trường”
Nhớ lại, tại cuộc họp do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức nhằm lấy ý kiến hoàn thiện báo cáo kinh tế - xã hội và Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 trình Quốc hội. Đây là cuộc họp quan trọng, với sự tham gia của lãnh đạo một số các bộ, ngành khối kinh tế, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội…
Cần có các chính sách hấp dẫn để DN tiếp cận được vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh |
Khi bàn tới nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, ngành Ngân hàng được giao nhiệm vụ: “Cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý, cụ thể là từ 2% - 3% so với mức lạm phát”.
Nhiều đại biểu cho rằng việc giao cứng mục tiêu nhiệm vụ như vậy sẽ rất khó khăn trong chỉ đạo điều hành, nhất là với điều hành lãi suất thì càng không mang tính khoa học. Vì nếu theo dự thảo, lãi suất cho vay trong 5 năm tới phải thấp hơn 2% đến 3% so với mức lạm phát. Trong khi theo định hướng của kế hoạch 2016 - 2020, lạm phát trong những năm đầu là khoảng 4% và đưa lạm phát về 3% vào năm 2020.
Tham gia ý kiến ngay tại cuộc họp khi đó, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, CSTT là chính sách ngắn hạn và phụ thuộc vào diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để điều chỉnh phù hợp, nên nếu đưa ra một mục tiêu như vậy thì sẽ rất khó cho điều hành. Vì "nếu trừ đi như vậy thì lãi suất cho vay là 1%, có hợp lý hay không? Chưa kể đến việc còn trừ đi chi phí các hoạt động trung gian thì lúc đó lãi suất huy động sẽ là 0% hay là âm?", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu vấn đề.
Ý kiến của NHNN đã nhận được sự đồng tình từ giới chuyên gia và cơ quan soạn thảo Đề án. Bởi định hướng giảm lãi suất cho vay là cần thiết nhưng cần tuân thủ nguyên tắc thị trường, không nên có quyết định can thiệp hành chính. Qua một câu chuyện từ “hậu trường” như vậy đã cho thấy, ngay từ khâu xây dựng chính sách nếu không có sự phối hợp giữa các bộ, ngành thì nhiệm vụ, mục tiêu của mỗi đơn vị dễ rơi vào sự lạc lõng và có thể là bất khả thi.
Theo quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước ký kết cuối năm 2014, các bộ, ngành phải phối hợp, tham vấn lấy ý kiến, chia sẻ thông tin trong soạn thảo, thực hiện, theo dõi, đánh giá, giải trình kết quả thực hiện chính sách đầu tư và phân bổ nguồn lực, tiền tệ và tín dụng, tài khoá, thương mại trong nước, xuất nhập khẩu và tiêu dùng. Các đơn vị cũng phối hợp trong việc nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo tác động của các chính sách (đầu tư và phát triển, tiền tệ, tín dụng, tài khoá, thương mại và giá cả) đối với các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
“Nói một cách hình ảnh, CSTK và CSTT giống như hai “chân” của cơ thể người luôn cần cân đối và hỗ trợ lẫn nhau. Khi Chính phủ quyết định chủ trương về CSTK thì cũng cần xem CSTT có thích ứng được hay không và ngược lại”. (Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội) |
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, CPI năm 2015 so với năm 2014 chỉ tăng 0,63% - thấp nhất trong vòng 14 năm qua, tăng trưởng kinh tế mức 6,68%. Năm 2016 ở mức 6,21% với GDP và 4,74% với lạm phát – đúng với mục tiêu Quốc hội đặt ra. Những con số này phần nào minh chứng cho sự phối hợp uyển chuyển, nhịp nhàng hơn giữa các bộ, ngành để tiến đến mục tiêu chung của nền kinh tế. Trong thành công đó, vai trò của ngành Ngân hàng rất lớn qua việc NHNN điều hành CSTT thận trọng, linh hoạt; kiểm soát tín dụng ở mức hợp lý, dòng vốn được tập trung vào lĩnh vực ưu tiên; tỷ giá ổn định...
… Đến nhiệm vụ tương lai
Dự báo, năm 2017 tình hình thế giới và trong nước sẽ còn nhiều khó khăn. Do đó, theo PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt phải phối hợp, cân đối giữa điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu với điều hành CSTT của NHNN; giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát với việc thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng theo thị trường. “Khi triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế và kế hoạch tài chính 5 năm… và nhiều đề án kinh tế khác, tôi lưu ý các bộ, ngành phải có sự nhịp nhàng với nhau, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ thì kinh tế mới đạt được các mục tiêu” – ông Ngân cho biết.
Về sự phối hợp giữa chính sách tài khóa (CSTK) và CSTT ông Lê Thanh Vân – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội ví von: CSTK và CSTT là hai “chân” rất quan trọng của “cơ thể” - nền kinh tế. Hai chân phải phối hợp thật tốt để hỗ trợ cho việc điều hành chính sách ổn định vĩ mô của Chính phủ. Sự kết hợp có hài hòa thì các dòng tiền, dòng tín dụng mới lưu thông hiệu quả được.
Như trong năm 2016, khi Quốc hội quyết định cho phát hành thêm trái phiếu Chính phủ (TPCP) thì lập tức hệ thống NH phải tính toán để đáp ứng được nhiệm vụ hút nguồn tiền mua TPCP hỗ trợ cho điều hành dòng vốn của Chính phủ. Hay khi Chính phủ có chủ trương kích hoạt cho nền kinh tế thông qua chính sách tín dụng, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên thì NH đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các DN.
Tuy nó không trực tiếp tác động như CSTK nhưng khi dòng vốn tín dụng được đưa ra đúng lúc, đúng chỗ đã thúc đẩy kinh tế phát triển, hỗ trợ thực hiện chính sách thu ngân sách tốt hơn. “Và thời gian vừa rồi phối hợp chính sách làm khá tốt. Nếu tiếp tục phát huy sự tương tác nhịp nhàng như vậy thì cơ thể kinh tế mới khỏe lên được” – ông Lê Thanh Vân bình luận.
Trong năm 2017, Quốc hội sẽ thông qua kế hoạch mua 50 nghìn tỷ đồng TPCP – mức thấp hơn nhiều so với năm 2016. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, một mặt hệ thống NH có thể mua TPCP để hỗ trợ cho đầu tư công, mặt khác cũng phải tạo dư địa lớn cho các DN, đặc biệt là các DN khởi nghiệp. Đồng thời, có các chính sách hấp dẫn để DN tiếp cận được vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xu hướng chung cho thấy, để giảm áp lực cho CSTT thì huy động vốn của Nhà nước phải giảm dần, CSTK cũng phải theo mục tiêu siết chặt, áp lực cầu về tiền tệ giảm đi, qua đó tạo dư địa giảm lãi suất.
Theo NHNN, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và các đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ năm 2017, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. |