Thống đốc Lê Minh Hưng: Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung và dài hạn
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh | |
Những kỷ lục của nền kinh tế trong năm 2016 | |
Tăng trưởng kinh tế năm 2016 ước tăng 6,21% |
Tín dụng tăng 18,5% trong năm 2016
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng |
Về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô năm 2016, Thống đốc Lê Minh Hưng đồng tình với đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, điểm nhấn đầu tiên quan trọng nhất là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 ngay từ đầu năm mới có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực duy trì tăng trưởng cho năm 2016 ngay từ tháng đầu năm.
Bên cạnh đó có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các bộ ngành, đặc biệt là các bộ ngành trong khối kinh tế tổng hợp là Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.
"Sự phối hợp này giúp chúng ta đạt kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế. Mặc dù GDP không đạt chỉ tiêu nhưng mức 6,21% cũng cho thấy nỗ lực rất cao, các tổ chức quốc tế cũng cho rằng, mức GDP trong điều kiện của Việt Nam năm 2016 là hết sức tích cực. Quan trọng hơn nữa chúng ta vẫn duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo kinh tế có sự tăng trưởng bền vững hơn trong những năm tới đây", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Đi sâu phân tích công tác điều hành lãi suất, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, mặc dù lãi suất đã gặp áp lực ngay từ đầu năm khi mục tiêu GDP đặt ra mức khá cao, nhu cầu vốn đầu tư trung và dài hạn lớn, lạm phát có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nhờ điều tiết cung tiền hợp lý, chúng ta không những đã giữ ổn định mà mặt bằng lãi suất huy động và mặt bằng lãi suất cho vay còn giảm. Bình quân lãi suất cho vay giảm đã giảm 0,5 – 1% so với đầu năm 2016, điều này có ý nghĩa rất tích cực trong việc duy trì tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Liên quan đến việc điều hành tỷ giá, người đứng đầu ngành Ngân hàng cho rằng, thị trường ngoại tệ và tỷ giá năm 2016 là khá ổn định, giúp củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả trước những diễn biến bất thường và tác động rất mạnh tới nền kinh tế các nước như sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ… đồng tiền của các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực biến động mạnh, nhưng thị trường ngoại tệ và tỷ giá của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành cả về tỷ giá, các công cụ CSTT, thanh khoản. Cho đến cuối năm 2016 đồng Việt Nam mới mất giá 1,1 – 1,2% và thanh khoản ngoại tệ trên thị trường rất ổn định.
“Chúng ta đã chủ động trong điều hành để giảm những tác động tiêu cực tới thị trường. Nếu như bình thường các năm trước chúng ta can thiệp vào thị trường ngoại tệ rất mạnh để ổn định tỷ giá, nhưng trong năm nay mức độ can thiệp rất nhẹ. Nhu cầu mua bán ngoại tệ cuối năm có tăng nhưng cơ bản thị trường ngoại tệ vẫn ổn định”, Thống đốc chia sẻ.
Về tăng trưởng tín dụng (TTTD), Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, năm nay TTTD đúng định hướng đề ra và dự kiến đến cuối năm tín dụng có thể đạt khoảng 18,5%. Thống đốc cũng chỉ ra những điểm tích cực của tín dụng năm 2016 là: TTTD tăng dàn đều qua các tháng chứ không dồn vào cuối năm; cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực khi tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Đặc biệt chất lượng tín dụng được quan tâm chỉ đạo. Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo sát sao các TCTD trong việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.
Năm 2017: CSTT phải thận trọng, linh hoạt hơn
Dự báo năm 2017, kinh tế thế giới với nhiều diễn biến khó lường; nhiều nước áp dụng chính sách phá giá đồng tiền hỗ trợ xuất khẩu... do đó, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, CSTT phải tiến hành thận trọng, linh hoạt để đảm bảo hài hóa mục tiêu khi tăng trưởng kinh tế đặt ra mức cao hơn. Đặc biệt, khi ngân sách khó khăn, CSTT phải đặt mục tiêu rất linh hoạt, hỗ trợ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Thứ nhất, với điều hành lãi suất năm 2017, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, do áp lực mục tiêu tăng trưởng cao nên điều hành lãi suất phải linh hoạt, đảm bảo ổn định được mặt bằng lãi suất cơ bản và cố gắng phấn đấu giảm được mặt bằng lãi suất trung và dài hạn như Chính phủ chỉ đạo nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ hai, phải theo dõi sát những biến động thị trường trong nước và quốc tế, dự báo kịp thời để có những giải pháp điều hành phù hợp nhằm ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
Thứ ba, về tín dụng, phải kiểm soát quy mô tín dụng, phù hợp với chỉ tiêu định hướng, phù hợp với các mục tiêu cân đối vĩ mô, đảm bảo tín dụng an toàn, hiệu quả nhưng cũng tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đảm bảo tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ tư, trong năm 2017 có thể khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành thấp hơn năm 2016, nhưng vẫn đòi hỏi CSTT và chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa đảm bảo không tác động lên thanh khoản của thị trường liên ngân hàng.
Để đạt được kết quả về kinh tế - xã hội, Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị, Chính phủ vẫn tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát để đảm bảo sự bền vững cho nền kinh tế.
Nhưng trong chính sách vĩ mô cần hạn chế sử dụng các công cụ điều hành CSTT thay cho các giải pháp tài khóa và ngân sách. “Vấn đề này tôi cũng bàn với đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính phân công rạch ròi trong điều hành để đảm bảo sự nhất quán trong điều hành vĩ mô”, Thống đốc nói.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Tài chính xác định cụ thể về khối lượng, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành để phối hợp được chặt chẽ hơn với CSTT.
Cùng với đó là công tác thông tin truyền thông cũng cần tiếp tục được quan tâm. Đặc biệt, NHNN đánh giá cao và đề nghị Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ ngành và NHNN để xử lý các tin đồn thất thiệt.
Đối với chính sách tín dụng nông nghiệp, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đến 31/12/2016 là kết thúc. Vì vậy NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Chính phủ để có thể điều chỉnh chính sách kịp thời hơn. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm đưa ra tiêu chí điều kiện trong việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao để NHNN chỉ đạo các NHTM bố trí nguồn vốn trong lĩnh vực tín dụng công nghệ cao.