Chính sách tài khóa – tiền tệ ngày càng đồng điệu
Vấn đề đặt ra cho chính sách tiền tệ năm 2017 | |
Chính sách tiền tệ đang đúng hướng | |
Điều hành cung tiền hợp lý giúp mặt bằng lãi suất ổn định |
Ông Vũ Đình Ánh |
Nội hàm câu chuyện phối hợp chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) luôn được nhấn mạnh cần phải nhịp nhàng, uyển chuyển để xử lý quan hệ giữa điều hòa lượng tiền tệ của NH với dòng vốn từ ngân sách một cách hiệu quả nhất. Xét từ góc độ trên, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, sự phối hợp giữa hai CSTK và CSTT khá thành công.
Ông có thể nói rõ hơn về những thành công trong phối hợp CSTK và CSTT?
Khi Bộ Tài chính có nhu cầu phát hành TPCP, NHNN đã có chỉ đạo hoặc chính sách hỗ trợ giúp cho các NHTM luôn là những NĐT chủ chốt mua TPCP trên thị trường. Nếu cơ quan quản lý không có chính sách tốt đặc biệt liên quan đến chính sách huy động, kiểm soát tài sản NHTM, trong đó có tỷ trọng TPCP thì các NH sẽ không mạnh dạn mua nhiều TPCP như vậy.
Cụ thể, NHNN ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn trong TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cho phép tỷ lệ đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh NH nước ngoài tăng từ 15% lên 35%, của NHTM Nhà nước từ 15% lên 25% …
Cùng với đó, phía CSTT cũng có những động thái thích hợp liên quan đến chính sách huy động vốn đáp ứng yêu cầu kỳ hạn với TPCP, nên các NHTM vẫn duy trì và chủ động trong cung ứng vốn cho Chính phủ thông qua mua TPCP. Nhờ sự phối hợp khá nhuần nhuyễn trên, không chỉ TPCP hoàn thành sớm kế hoạch với lãi suất thấp hơn nhiều so với năm trước.
Theo ông để giữ được mặt bằng lãi suất ổn định, tiết giảm chi phí, thời gian tới, CSTK và CSTT sẽ phối hợp như thế nào?
Để giữ được lãi suất theo tôi, trọng tâm đầu tiên cần phải quan tâm đó là lạm phát. Ở Việt Nam, tuy CSTT có vai trò quan trọng trong kiềm chế lạm phát nhưng phải có sự phối hợp từ CSTK, cụ thể là chính sách quản lý giá. Nhưng chính sách quản lý giá không chỉ ngành tài chính mà còn liên quan đến Bộ Công Thương, đặc biệt liên quan đến các mặt hàng, nguyên vật liệu thiết yếu. Vấn đề thứ hai cần lưu tâm liên quan đến tỷ giá. Trước tiên phải kiểm soát nhập khẩu để biến động tỷ giá không phản ánh một cách tiêu cực, kéo theo giá các mặt hàng sản xuất, tiêu dùng trong nước thậm chí cả cho xuất khẩu tăng.
Năm tới, tỷ giá sẽ chịu ảnh hưởng bởi biến động đồng USD. Vì thế, NHNN phải tính toán một cơ chế tỷ giá hối đoái để phù hợp với biến động mang tính khách quan ấy. Nhất là trong cơ chế tỷ giá trung tâm hiện nay dựa vào rổ 8 đồng tiền chứ không chỉ neo vào đồng USD. Những biến động của các đồng tiền kia sẽ tác động tới đồng USD, từ đó phản ánh tỷ giá USD/VND.
Việc giảm bớt gánh nặng mua TPCP lên hệ thống tài chính sẽ giúp cho lãi suất không tăng. Bởi vì hiện nay NHTM vẫn giữ vai trò chủ chốt cung cấp nguồn vốn cho Chính phủ. Với sự tham gia của các định chế tài chính khác như bảo hiểm, các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán… sẽ giúp chia sẻ bớt gánh nặng về cung ứng vốn tín dụng của hệ thống NH.
Nói đến việc chia sẻ gánh nặng vốn, ông nghĩ sao về việc tăng phát hành TPCP ra nước ngoài?
Trước nay Chính phủ phát hành trái phiếu ra nước ngoài chủ yếu là Bộ Tài chính thực hiện. Thời gian tới, theo tôi cần phải tăng cường phối hợp với NHNN để triển khai sẽ hiệu quả hơn. Vì NHNN thông qua Sở Giao dịch có những giao dịch ngoại tệ lớn. Hai nữa, quan hệ của NHNN và các NHTM lớn với các NH nước ngoài, các NĐT khá tốt có tác động tích cực đối với việc phát hành TPCP ra nước ngoài.
Mặt khác, việc phát hành TPCP ra nước ngoài không chỉ liên quan đến tỷ giá, nợ nước ngoài mà còn liên quan đến quản lý ngoại hối. Khi phát hành thành công sẽ có lượng ngoại tệ lớn trên thị trường nên cơ quan quản lý cân đối ra sao để không tạo áp lực tỷ giá. Vấn đề rất quan trọng nữa cần sự phối hợp là phải cân nhắc thời điểm, quy mô phát hành cũng như lãi suất chấp nhận được đối với phát hành TPCP ra nước ngoài.
Xin cảm ơn ông!