Cho vay để đầu tư ra nước ngoài: Không vượt quá 70% vốn đầu tư của khách hàng
Ảnh minh họa |
Đối tượng nào được vay đầu tư ra nước ngoài?
Theo đó, tổ chức tín dụng xem xét cho khách hàng vay đối với các nhu cầu: Góp vốn điều lệ để thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư; Góp vốn để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) ở nước ngoài; Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài; Và nhu cầu vốn để thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo hình thức quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn thi hành.
Về điều kiện vay vốn gồm khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân (bao gồm cả cá nhân là thành viên hoặc người đại diện được ủy quyền của hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.
Bên cạnh đó, khách hàng có dự án, phương án đầu tư ra nước ngoài được tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi và khách hàng có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng; Có 2 năm liên tiếp không phát sinh nợ xấu tính đến thời điểm đề nghị vay vốn cũng đủ điều kiện vay vốn.
Thời hạn vay theo thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ
Mức cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận trên cơ sở nhu cầu vay vốn, phương án đầu tư ra nước ngoài, khả năng tài chính của khách hàng, các giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng và khả năng nguồn vốn của tổ chức tín dụng, nhưng không vượt quá 70% vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng.
Thời hạn cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, khả năng cung ứng vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng, thời hạn đầu tư của dự án, thời gian còn lại của Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương khác.
Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay được thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và quy định của pháp luật có liên quan. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản ở nước ngoài do các bên thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc lựa chọn áp dụng pháp luật trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Phần thứ năm Bộ Luật dân sự.
Thông tư 36 gồm 14 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019 và thay thế Thông tư số 10/2006/TT-NHNN ngày 21/12/2006 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc tổ chức tín dụng cho khách hàng vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.