Cho vay theo chuỗi liên kết: Cần xây dựng nhóm tiêu chí cơ bản
Tháo gỡ khó khăn để không còn chuyện giải cứu nông sản | |
Phát triển bền vững chuỗi liên kết |
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, liên kết gia tăng giá trị là việc vô cùng cần thiết |
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt mức kỷ lục khi vượt 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp năm 2018 đạt 3,76% góp phần vào tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế 7,08%. Đó đều là những con số tích cực.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nếu nhìn nhận thực tế thì nông nghiệp Việt Nam còn tình trạng sản xuất nhỏ, dựa trên nền tảng kinh tế hộ gia đình, thiếu hợp tác, liên kết; gia tăng về giá trị sản xuất nông nghiệp chưa tương ứng mức tăng sản lượng nông nghiệp.
Ông Trần Văn Tần - Uỷ viên HĐQT VietinBank chia sẻ, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải chịu ba giới hạn, và ba giới hạn này ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường. Đó là giới hạn về quy mô, về hợp tác liên kết, và về đầu tư khoa học công nghệ cho sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc tăng cường hợp tác liên kết, đặc biệt liên kết theo chuỗi đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam là vô cùng cấp bách.
“Khi ngành nông nghiệp có sự chuyển biến thì ngành Ngân hàng cũng phải có những sản phẩm tín dụng tương thích để đáp ứng được yêu cầu phát triển”, ông Tần cho hay.
Để phát triển và tạo các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, nguồn vốn tín dụng cũng như các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng, đặc biệt đối với lĩnh vực có tính chất mùa vụ và phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như ngành nông nghiệp.
Về mặt cơ chế, NHNN đã kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP, sau đó là Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực theo mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp cũng như các mô hình đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. NHNN đã chủ trì, chỉ đạo các NHTM triển khai chương trình thí điểm đối với các mô hình liên kết, mô hình đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...
Tuy nhiên, thực tế khi triển khai các sản phẩm tín dụng cho vay liên kết này có sự phức tạp hơn rất nhiều, dẫn tới tỷ trọng cho vay chuỗi liên kết còn khiêm tốn. Năm 2018, dư nợ cho vay chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp khoảng gần 8.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,2% trong tổng dư nợ của cho vay nông lâm nghiệp, thuỷ sản.
ThS. Phạm Xuân Hoè - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) chỉ ra hạn chế trong việc triển khai sản phẩm cho vay chuỗi giá trị: kỷ luật thanh toán không tiền mặt, và các khâu của chuỗi giá trị do các TCTD khác nhau cung cấp dịch vụ cho đối tác tham gia chuỗi giá trị nhưng chưa gắn kết với nhau nên kiểm soát dòng tiền toàn chuỗi khó khăn và dẫn đến hụt hẫng nguồn thu nợ.
Để khắc phục những hạn chế này, ông Hoè đề xuất, nên xây dựng nhóm những tiêu chí cơ bản trong cho vay chuỗi giá trị. Như tiêu chí về: quy mô của chuỗi (diện tích từ 5 - 100 ha, doanh thu, số chủ thể tham gia trong chuỗi - doanh nghiệp là lõi của chuỗi); tài chính (doanh thu, vòng quay vốn, vốn tự có, ROE, ROA...); ràng buộc trách nhiệm các thành viên trong chuỗi (cam kết hợp đồng, xử phạt hợp đồng, phân chia rủi ro); ràng buộc liên kết giữa các định chế tài chính và các ngân hàng với nhau (thanh toán 100% chuyển khoản, chia sẻ thông tin); đăng ký và công nhận chuỗi và các dịch vụ hỗ trợ (doanh nghiệp và các chủ thể trong chuỗi tự đăng ký và được công nhận, các dịch vụ bảo hiểm, hỗ trợ đào tạo, tư vấn hợp đồng...).
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng chung quan điểm khi cho rằng trước hết Chính phủ cần có quy hoạch vùng sản xuất/quy hoạch dự án nuôi trồng nông nghiệp để định hướng sản xuất phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Đại diện một NHTMNN tham gia cho vay chuỗi giá trị chia sẻ: thực tế văn hoá tín dụng của người vay, văn hoá thực hiện cam kết của người dân còn chưa cao. Chính bởi thế rất cần có khung pháp lý về hợp đồng kinh tế dân sự, có chế tài xử lý cụ thể chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị nông nghiệp để từ đó ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm của các thành viên trong chuỗi giá trị trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc tự nguyện; bình đẳng, công khai, minh bạch về lợi ích của các bên tham gia; chịu trách nhiệm với những cam kết của mình với các thành viên trong chuỗi; hợp tác, tương hỗ lẫn nhau trong quá trình xử lý rủi ro biến động lớn đối với sản xuất.
Doanh nghiệp nòng cốt của chuỗi giá trị cần chủ động tạo lập cuộc chơi, tạo lập thị trường, kết nối các TCTD và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân trong vùng của chuỗi giá trị.
Cũng theo vị này, “Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần nghiên cứu, triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm trong việc triển khai dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chính sách bảo hiểm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đi cùng với đó là chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường bền vững”.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thông tin thêm, thời gian tới NHNN sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế (WB, SECO, IFC...) nghiên cứu xây dựng sổ tay hướng dẫn cho vay chuỗi liên kết trong nông nghiệp. Trong đó chú trọng các giải pháp cho vay dựa trên các khoản phải thu, hàng tồn kho và kiểm soát rủi ro khi tài trợ tín dụng theo chuỗi giá trị.