Cho vay theo Nghị định 67: Chỉ còn chờ phê duyệt của chính quyền
Các NHTM mong muốn được tham gia từ giai đoạn xem xét, duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đẩy nhanh quá trình cấp tín dụng
Ngân hàng chủ động vào cuộc
Đến thời điểm này, phía BIDV xác nhận, NH này đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng tổng thể giai đoạn 2014 - 2017 hỗ trợ phát triển thủy sản với tổng doanh số cho vay 15.000 tỷ đồng.
Cụ thể, BIDV dành 3.000 tỷ đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, cho vay vốn lưu động; 5.000 tỷ đồng cho vay thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), cho vay ứng trước vốn đối với chương trình phát triển thủy sản do vốn NSNN bố trí; 4.500 tỷ đồng cho vay hỗ trợ phát triển nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến thủy sản…
BIDV cũng đã hoàn thiện quy trình, hướng dẫn thủ tục cho vay đối với khách hàng theo tinh thần là ngắn gọn, đơn giản, phù hợp với Nghị định của Chính phủ về phát triển thuỷ sản và hướng dẫn của NHNN. NH này cam kết xử lý trả lời trong 4 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ vay vốn.
BIDV cũng chỉ đạo các chi nhánh chủ động bám sát, làm việc với UBND tỉnh, thành phố để đăng ký kế hoạch cấp tín dụng trung dài hạn đóng mới, nâng cấp tàu theo NĐ 67 trên cơ sở số lượng tàu được Bộ NN&PTNT phân bổ cho 28 tỉnh, thành phố.
Đại diện VietinBank thì cho biết, đã làm việc trực tiếp với đơn vị đóng tàu là Tổng Công ty công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) để hợp tác trong quá trình giới thiệu các ngư dân, DN có nhu cầu đóng tàu đánh bắt xa bờ.
Và một trong những NH chủ lực cho vay theo NĐ 67 là Agribank cũng cho biết, trong tháng 9/2014, đại diện Agribank đã làm việc với SBIC và Công ty Yanmar về việc giới thiệu các mẫu tàu vỏ thép, tàu composite và bàn thỏa thuận hợp tác giữa các bên. Agribank dự kiến sẽ dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng để cho vay theo NĐ 67, trong năm 2014 Agribank phấn đấu giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng.
Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách
Tính đến ngày 23/9 đã có 22 khách hàng là ngư dân và DN trên địa bàn tỉnh Phú Yên đăng ký vay tại BIDV Phú Yên với tổng vốn vay trung dài hạn dự kiến hơn 131 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng đăng ký đóng mới 7 tàu vỏ sắt, 12 tàu vỏ gỗ, cải hoán 5 tàu. “Ngay khi các chủ tàu hội đủ điều kiện vay vốn BIDV Phú Yên sẽ giải ngân, tạo điều kiện cho ngư dân, DN cải hoán, đóng mới tàu hiện đại để vươn khơi bám biển” – ông Nguyễn Ngọc Khố - Giám đốc NHNN Chi nhánh Phú Yên khẳng định.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam thì từ nay đến năm 2016, nhu cầu đóng mới tàu có công suất từ 400CV trở lên trên địa bàn là 92 chiếc (trong đó có 9 chiếc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá). Tổng nhu cầu vốn vay cho tàu cá đóng mới dự kiến 440,4 tỷ đồng, nhu cầu vốn vay nâng cấp tàu cá 122,5 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn lưu động 92,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Diện – Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Nam cho rằng, đánh bắt ven bờ đã là truyền thống lâu đời đối với ngư dân Quảng Nam nên việc chuyển đổi sang đánh bắt xa bờ sẽ khiến ngư dân chưa bắt kịp việc làm ăn lớn, dẫn đến việc tiếp nhận dự án cho vay sẽ gặp khó khăn.
Chính vì vậy, các NHTM cho rằng, để tăng hiệu quả của chương trình cho vay, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các chủ tàu việc vay vốn được ưu đãi về lãi suất, tài sản đảm bảo, tỷ lệ vốn vay và trên nguyên tắc vay vốn có hoàn trả để nâng cao trách nhiệm của chủ tàu trong quá trình sử dụng vốn vay.
Ý kiến chung của các NHTM tham gia chương trình cho vay theo NĐ 67 kiến nghị: cần sớm thành lập Ban chỉ đạo triển khai các chính sách phát triển thủy sản tại địa phương và cho phép các NHTM được tham gia từ giai đoạn xem xét, duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đẩy nhanh quá trình cấp tín dụng.
Để nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả cao, ngành NH đề nghị Chính phủ sớm phân bổ ngân sách bố trí hỗ trợ cho các địa phương về đầu tư các cơ sở hậu cần nghề cá, quy hoạch lại các ngư trường đánh bắt và tổ chức tốt hoạt động đánh bắt theo mô hình chuỗi khai thác khép kín nhằm nâng cao sản lượng và giá trị đánh bắt.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT và các địa phương cần xây dựng chương trình hướng dẫn, đào tạo ngư dân thay đổi thói quen, tập quán đánh bắt riêng lẻ sang đánh bắt theo tổ, đội với tàu vỏ sắt công suất lớn nhằm gia tăng hiệu quả…
Ông Võ Minh – Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Đà Nẵng cho biết, một số ngư dân đã chủ động liên hệ với NH để tìm hiểu nguồn vốn tín dụng ưu đãi này nhưng hiện tại các NHTM vẫn đang chờ phê duyệt của UBND thành phố nên chưa thể thực hiện cho vay.
Bên cạnh đó, “theo chỉ tiêu của Bộ NN&PTNT thì Đà Nẵng được phân bổ 47 tàu đóng mới, trong đó 39 chiếc tàu khai thác, 8 tàu dịch vụ hậu cần. Thế nhưng đến nay các NH đã tiếp nhận hồ sơ của 146 cá nhân, tổ chức đăng ký đóng mới 184 tàu. Do đó, chúng tôi mong muốn có được tiêu chí rõ ràng để có cơ sở cho các địa phương xét chọn các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP” – ông Võ Minh đề nghị.
Ông Phạm Duy Hùng - Giám đốc Agribank Quảng Ngãi: Tập trung nguồn lực, nhân lực để triển khai tốt Đây là nhiệm vụ trọng tâm, Agribank chi nhánh Quảng Ngãi sẽ tập trung nguồn lực, nhân lực để triển khai tốt và có hiệu quả trong thời gian tới. Theo phân bổ ban đầu, tỉnh Quảng Ngãi được đóng mới 189 tàu vỏ sắt và vỏ gỗ; trong đó có 174 tàu tham gia đánh bắt và 15 tàu tham gia làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Đến thời điểm này, danh sách các hộ tham gia vay đóng mới tàu đánh bắt xa bờ đang được các địa phương khẩn trương xét duyệt để chuyển về UBND tỉnh Quảng Ngãi duyệt lần cuối và chuyển sang NH để vay. Hiện tại, chi nhánh đã lập kế hoạch nguồn vốn bổ sung gửi trình hội sở xin cấp vốn để chuẩn bị giải ngân cho bà con khi có danh sách phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Cùng đó, Agribank Quảng Ngãi cũng nguyên cứu, khảo sát điều tra lại toàn bộ hoạt động đầu tư phát triển ngành thủy sản trên địa bàn. Kết quả khảo sát lần này giúp Agribank có cái nhìn tổng quan về ngành thủy sản địa phương, từ đó đưa ra chiến lược đầu tư tín dụng lâu dài, căn cơ và bài bản hơn… Ông Đoàn Phúc - Phó giám đốc Agribank Đà Nẵng: Đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn Hiện nay, các cơ quan liên quan vẫn chưa thống nhất được các tiêu chí, biểu mẫu để cho vay. TP. Đà Nẵng dự kiến có 180 tàu được đóng mới, cả vỏ sắt và vỏ gỗ từ nguồn vốn vay theo NĐ 67. Hiện Agribank Đà Nẵng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và tiếp cận với khách hàng có nhu cầu vay vốn đóng tàu để tư vấn các quy định của Agribank. Thực tế cho thấy chính quyền địa phương và các ngành liên quan đã vào cuộc rất quyết liệt, thảo luận, đóng góp ý kiến để thống nhất các tiêu chí cho vay. Đây là vấn đề quan trọng nhất và mất thời gian nhất. Về nguồn vốn thì không phải lo, chi nhánh đã chuẩn bị sẵn sàng. |
Đức Nghiêm - Công Thái