Cho vay tiêu dùng - vẹn cả đôi đường
Để tiêu dùng đi đúng hướng | |
Công ty tài chính lựa chọn hướng đi | |
Tìm hướng đi cho sự bền vững |
Xu hướng tiêu dùng tăng
Mới chỉ quý IV/2016, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen công bố, người Việt tiết kiệm nhất thế giới khi có tới 76% dân số để dành tiền vào tiết kiệm, thì sang năm 2017 cơ quan này đã phải thay đổi quan điểm: người tiêu dùng Việt Nam chính thức mất “ngôi” tiết kiệm nhất thế giới và ngày càng có xu hướng chi tiêu “mạnh tay” cho những dịch vụ du lịch, mua sắm, y tế.
Cụ thể, người Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào các khoản mục lớn như du lịch, mua sắm quần áo, mua sắm sản phẩm công nghệ mới, sửa chữa nhà cửa, sử dụng các dịch vụ giải trí bên ngoài. Số liệu thống kê cho biết thêm, bình quân một người dân thành phố chi 160 USD/năm cho mua sắm trực tuyến. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 23 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với các tiêu chí kết nối internet, thu nhập ổn định, sẵn sàng chi tiêu, ưa thích sản phẩm và dịch vụ cao cấp, đặc biệt hơn muốn dẫn đầu xu hướng tiêu dùng.
Cũng theo một khảo sát mới đây của Criteo, đơn vị trong lĩnh vực tiếp thị thương mại, thực hiện tại Việt Nam cho biết, có đến 60% người dùng mạng "giải trí" bằng cách mua sắm…
Tăng cho vay tiêu dùng kích thích nền kinh tế phát triển |
Những số liệu thống kê minh chứng rằng niềm tin của người tiêu dùng về thị trường đã tốt hơn nên sức mua cũng được cải thiện. Một khi tăng trưởng tiêu dùng rất mạnh, là một trong những động lực chính để duy trì tăng trưởng kinh tế. Trước xu thế mới, nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng, trong điều kiện nguồn lực có hạn, tiêu dùng của Chính phủ chưa có dấu hiệu tăng đột biến, thì tăng tiêu dùng hộ dân cư là giải pháp hợp lý hiện nay. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7 tháng/2017, sau khi trừ yếu tố giá cả, mới tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có điều, con số tăng kể trên vẫn chưa nhiều như kỳ vọng nên tính đến thời điểm hiện tại, tiêu dùng trong nước vẫn chưa hỗ trợ đáng kể cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước. Trong khi đó, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong GDP đang ở trạng thái nhập siêu đã làm giảm tăng trưởng khoảng 7,01%. Vấn đề cần lưu ý hiện nay là làm sao để người dân gia tăng mức độ tiêu dùng hàng hoá trong nước, mà không phải đẩy mạnh sử dụng hàng nhập khẩu. Một khi đẩy mạnh được tiêu dùng, DN sẽ có cơ hội mở rộng, tái đầu tư, gián tiếp kích thích tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi các DN trong nước phải bảo đảm được tính cạnh tranh, chất lượng sản phẩm. Như vậy, tăng trưởng mới bền vững, TS. Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM gợi mở.
Điều này đặt ra câu hỏi đối với các nhà quản lý kinh tế cũng như DN sản xuất phải làm sao thúc đẩy hơn nữa nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người tiêu dùng từ nay đến cuối năm để nền kinh tế đi vào vòng xoáy tăng trưởng?
Hỗ trợ cho tăng trưởng
Theo ý kiến của một chuyên gia kinh tế, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng tiêu dùng, Chính phủ - một tác nhân quan trọng sẽ góp phần kích cầu thông qua việc đẩy mạnh chi tiêu công đối với các mặt hàng trong nước. Khi Chính phủ, địa phương đẩy mạnh việc dùng hàng Việt thì sẽ tạo sức lan toả đối với các thành phần kinh tế khác.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách tuyên truyền, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, cần thúc đẩy cho vay tiêu dùng. Bởi hiện việc cho vay tiêu dùng còn khá thấp, chỉ chiếm 10% tổng dư nợ hệ thống ngân hàng. Trong khi các nước như Trung Quốc đã đạt 16 - 17%, Mỹ: 35 - 40%, ông Lực thông tin và tính toán, nếu kích thích tăng tiêu dùng thêm 1%, nền kinh tế có thêm 38.000 tỷ đồng. Ngoài ra, việc thúc đẩy tiêu dùng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, là hết sức quan trọng. Nếu ngành du lịch tăng trưởng 30 - 35% năm nay, ngân sách sẽ có thêm khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng.
Có thể hiểu được tầm quan trọng của tiêu dùng, nên những đề xuất, khuyến nghị của các chuyên gia đang nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bằng các nghị quyết, chỉ thị, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng tư lệnh ngành, người đứng đầu mỗi tỉnh, thành phố làm sao phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,7% và các chỉ tiêu tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực theo kịch bản đã đề ra, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Cụ thể với ngành Ngân hàng, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung chỉ đạo bảo đảm tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 21%.
Nhìn ra thế giới, nới lỏng tiền tệ toàn cầu vẫn đang là xu thế chính chứ không phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Việt Nam không là ngoại lệ nhằm cung thêm vốn ra nền kinh tế theo hướng giãn lộ trình thực hiện tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn một cách phù hợp bằng cách sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014. Nên thay vì áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% vào năm 2018, NHNN quyết định lùi thời điểm này sang năm 2019. Năm 2018 sẽ áp dụng tỷ lệ 45%. Rạch ròi hơn, dự thảo cũng chỉ rõ nguồn vốn để tính tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn không bao gồm nguồn tiền gửi, tiền vay từ các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam nhằm phản ánh chính xác cơ cấu nguồn vốn…
Trước đó, NHNN đã cắt giảm lãi suất điều hành lần đầu tiên kể từ tháng 3/2014. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,5% xuống còn 6,25%, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5% xuống 4,25%. Mức lãi suất ngắn hạn hàng năm cho các khoản vay đối với một số ngành ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DNNVV và các DN công nghệ cao) giảm 0,5 điểm phần trăm, xuống còn 6,5%. Điều đó cho thấy chính sách tiền tệ đã hỗ trợ tốt cho nền kinh tế, được thị trường đón nhận tích cực.