Để tiêu dùng đi đúng hướng
Công ty tài chính lựa chọn hướng đi | |
Tìm hướng đi cho sự bền vững | |
Minh bạch hoá cho vay tiêu dùng |
Theo thống kê StoxPlus 2017, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đạt ngưỡng 26.55 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng GDP cả nước, gấp 2 lần so với năm 2011 (5,2%). Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập còn thấp so với các nước trên thế giới. Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam còn rất non trẻ, số lượng khách hàng thấp. Điều này đồng nghĩa với tiềm năng khai thác của lĩnh vực này còn rất rộng mở.
Lãi suất cho vay tiêu dùng thường ở mức cao. Nhưng nếu thị trường này phát triển rộng và mạnh hơn trong tương lai, mức lãi suất này sẽ có nhiều cơ hội giảm xuống khi gia tăng sự cạnh tranh giữa các công ty tài chính (CTTC). Song các chuyên gia cũng cho rằng, khi nhu cầu vay tiêu dùng ngày một tăng, thì việc quản trị rủi ro, đảm bảo tính minh bạch, đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong lĩnh vực này cần đặc biệt ưu tiên.
Quản trị rủi ro, nâng cao minh bạch để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển đúng tiềm năng |
Xét khuôn khổ pháp lý, tài chính tiêu dùng hiện nay chủ yếu được điều chỉnh và quản lý theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN và Thông tư số 19/2016/TT-NHNN.
Ông Nguyễn Trọng Du, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động NH, Cơ quan Thanh tra Giám sát NH cho biết: Điểm khác biệt lớn nhất của ba văn bản này là nói về nhận diện cho vay tiêu dùng. Thị trường tài chính tiêu dùng có những đặc điểm khác với hoạt động sản xuất kinh doanh nên tinh thần của ba văn bản này đều là hài hoà giữa quyền tự chủ của các TCTD, vừa đảm bảo tính minh bạch của thị trường và bảo đảm lợi ích của khách hàng. Trong cả ba văn bản này, NHNN đều yêu cầu các TCTD khi cho vay tiêu dùng phải có quy định nội bộ, trong đó xây dựng đầy đủ các trình tự, thủ tục, các vấn đề liên quan tới lãi suất cần được thống nhất... để tránh tình trạng có thể cùng một TCTD nhưng cách thức cho vay lại khác nhau.
Một điểm quan trọng khác, theo ông Du là các điều khoản trong hợp đồng cho vay tiêu dùng và vấn đề lãi suất đều phải được công khai, minh bạch. Thông tư 39 và Thông tư 43 đều đưa ra những yêu cầu công khai rất chặt chẽ. Khách hàng phải được cung cấp đầy đủ, giải thích cặn kẽ các nội dung của hợp đồng đối với người tiêu dùng... nhằm bảo vệ lợi ích của người đi vay. Bởi khi ký một giao dịch vay, khách hàng phải hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình tới đâu, nghĩa vụ ra sao thì rủi ro cho vay mới giảm xuống.
Bên cạnh đó, trong nội dung tại các Thông tư này đều có quy định về quyền, trách nhiệm của các TCTD trong cho vay tiêu dùng. Trong trường hợp một khoản vay quá hạn, nếu thị trường không có quy định thì các TCTD sẽ ưu tiên thu lãi trước, đồng nghĩa với việc khoản gốc vẫn còn nguyên. Nhưng trong Thông tư 43 và Thông tư 39 quy định, nếu trong trường hợp một khoản vay quá hạn thì yêu cầu ưu tiên trả gốc trước.
NHNN cũng có yêu cầu về việc các CTTC phải xây dựng khung lãi suất đảm bảo minh bạch, khi thay đổi phải có thông báo tới khách hàng. Một trong những quy định nhỏ nhưng vô cùng quan trọng là quy định về quy đổi. Trước đây, lãi suất cho vay thường được tính theo tuần, tháng hay năm. Nhìn qua có thể lãi suất theo ngày thì thấp, nhưng quy ra theo năm thì lại khá cao. Để khách hàng không có cảm giác bị "lừa", NHNN vẫn cho phép bên cho vay có thể thoả thuận lãi suất, phương thức tính lãi... nhưng phải quy ra được lãi suất tính theo năm, và tính theo dư nợ còn lại. Từ đó, khách hàng khi cầm một hợp đồng cho vay, sẽ biết được cụ thể phải trả lãi suất là bao nhiêu.
Đứng dưới góc độ của một CTTC tham gia khai phá thị trường tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Trung tâm nguồn vốn kiêm Giám đốc Trung tâm Huy động nguồn vốn, FE Credit cũng chia sẻ rằng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam gặp khá nhiều rủi ro đến từ phía khách hàng, hoạt động huy động vốn và định kiến xã hội. Một trong số những rủi ro đến từ phía khách hàng nằm ở việc khách hàng thường xem nhẹ việc bảo mật thông tin cá nhân, dẫn tới tình trạng bị kẻ gian lợi dụng để giả mạo hồ sơ. Để khắc phục điều này, theo ông Du, việc phát triển hệ thống thông tin khách hàng bài bản, cụ thể sẽ giúp các TCTD, trong đó có các CTTC có thể truy cập và tra cứu thông tin chính xác, với chi phí hợp lý.
“Việc đánh đồng cho vay tiêu dùng tại các CTTC với các hình thức vay phi chính thống như cầm đồ, cho vay nặng lãi; hay việc lãi suất cho vay tại các CTTC thường cao và bị so sánh không hợp lý với lãi suất vay NH... đều là rủi ro định kiến mà CTTC gặp vướng mắc”, ông Phúc bày tỏ. Một chuyên gia tài chính nhận thấy, để tháo gỡ “định kiến xã hội” về cho vay tiêu dùng tại các CTTC, qua đó bảo vệ lợi ích của khách hàng vay tiêu dùng, không gì khác là phải tuyên truyền, giáo dục để nâng cao hiểu biết tài chính, nhận thức về quản lý tài chính trong cộng đồng. “Khi khách hàng hiểu, họ sẽ tin và từ đó hoạt động cho vay sẽ hiệu quả và an toàn hơn”, chuyên gia này nhấn mạnh.