Tìm hướng đi cho sự bền vững
Nhận diện bức tranh thị trường cho vay tiêu dùng | |
Minh bạch hoá cho vay tiêu dùng | |
Tư vấn cho vay tiêu dùng |
Hiểu “tiêu”, “dùng” đúng cách
Cuối năm 2016, dư nợ tín dụng tiêu dùng là 646.000 tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. Còn theo dự báo mới nhất của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019.
Mặt khác, theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, tỷ trọng tiêu dùng/GDP của Việt Nam tăng phi mã từ 52,5% vào năm 2005 lên đến đỉnh điểm 77,7% vào năm 2009. Khi nền kinh tế rơi vào giai đoạn suy giảm tăng trưởng, tỷ lệ tiêu dùng trên GDP cũng suy giảm đến đáy vào năm 2012. Nhưng từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ này liên tục tăng cao và đạt 78,34% vào năm 2016.
Tiếp cận hoạt động cho vay tiêu dùng chính thức là bảo vệ cho chính mình |
Đó là những con số cho thấy xu hướng tăng tiêu dùng ở Việt Nam còn tiếp tục phát triển mạnh và rộng hơn thời gian tới. Phải khẳng định rằng, đầu tư tài chính cho tiêu dùng sẽ góp phần giảm cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Tuy nhiên, cũng như những hình thức cho vay khác vấn đề cần quan tâm hàng đầu là lãi suất.
Phần đông khách hàng khi nhắc tới tín dụng tiêu dùng ở các công ty tài chính (CTTC) sẽ ngay lập tức khẳng định là lãi suất cao. Điểm này đúng nhưng chưa đủ. Thực tế mặt bằng lãi suất của CTTC cao hơn NH nhưng theo ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện Chiến lược NH (NHNN) thì khi bóc tách các chi phí sẽ thấy mức lãi suất cho vay tiêu dùng là hợp lý. Và chính khách hàng vay tiêu dùng rất cần phải hiểu loại hình vay tiêu dùng của mình là gì, thuộc diện khách hàng chuẩn hay dưới chuẩn, khoản vay tín chấp hay thế chấp và vay để làm gì. Từ đó xác định tìm hiểu thấu đáo, tránh trường hợp không xem kỹ các điều khoản về mức lãi suất, cách tính lãi... tới khi có khó khăn trả nợ thì cho rằng mình bị lừa vay lãi suất cao! Vì vậy cần thống nhất cách hiểu cao là so với cái gì? Theo quan điểm của ông Hoè, cao là so với khả năng thanh toán của người vay. Với món vay nhỏ, mức lãi suất có thể cao nhưng mức trả theo số tuyệt đối tính trên thu nhập có được của họ là không cao.
Đại diện Viện Chiến lược NH cũng chia sẻ về việc cần có quan điểm, cách nhìn đúng đắn về thị trường cho vay tiêu dùng đúng với kinh tế thị trường. Và lãi suất cho vay tiêu dùng cần áp dụng theo cơ chế thoả thuận của thị trường. Bởi nếu thị trường tiêu dùng chính thức phát triển, cạnh tranh lành mạnh thì tất yếu lãi suất sẽ giảm xuống.
Đồng tình với suy nghĩ này, TS. Cấn Văn Lực cũng nhận thấy các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản... cũng không áp dụng trần lãi suất vì đó là phi thị trường, kìm hãm tín dụng. Khi áp trần lãi suất thì NH và các CTTC không muốn cho vay vì thực tế rủi ro trong cho vay tiêu dùng thường lớn. Nhưng cũng không thể để lãi suất cao đến đâu cũng được. Việc này theo ông Lực, NHNN và cơ quan quản lý phải có biện pháp để kiểm soát những gì thái quá.
Cần nỗ lực tổng thể
Sự bùng nổ của cho vay tiêu dùng giúp kích thích phát triển kinh tế. Song mặt khác, thực tế này cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước. Bài học nhãn tiền là cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng năm 2003 tại Hàn Quốc.
Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Tú Anh cho biết: Từ năm 2016, NHNN đã ban hành hai thông tư quan trọng là Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN để điều chỉnh hoạt động cho vay, trong đó có cho vay tiêu dùng.
“Đây không những là hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động mà còn bảo vệ người đi vay trước nguy cơ vỡ nợ lên cao, ví dụ như quy định về minh bạch lãi suất, đưa ra hạn mức vay...”, ông Tú Anh nhấn mạnh. Tuy vậy, theo đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, cần có thêm những công cụ để bảo vệ khách hàng, cũng là bảo vệ TCTD. Việc bảo vệ người tiêu dùng cần có các quy định để hạn chế người tiêu dùng chấp nhận rủi ro quá mức.
Xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thực hiện tốt Đề án 1726 về tiếp cận dịch vụ NH là một trong những giải pháp được TS. Cấn Văn Lực xem là quan trọng để có thể giúp phát triển bền vững thị trường cho vay tiêu dùng. Ông Lực cũng cho rằng cần hoàn thiện, điều chỉnh Thông tư số 43 về cho vay tiêu dùng của CTTC và khung pháp lý cho hoạt động Fintech. Theo bà Nguyễn Phương Thanh, Chủ nhiệm cao cấp, Bộ phận Tư vấn dịch vụ NH Tài chính (EY Việt Nam) các CTTC tiêu dùng mới chỉ tập trung nguồn lực tại khu vực thành thị hoặc các khu công nghiệp.
Do vậy, việc mở rộng thị trường ra khu vực nông thôn có thể là một hướng đi mới, giúp các CTTC gỡ nút thắt trong chiến lược phát triển lâu dài, tất nhiên điều này đòi hỏi những bước tiến mang tính đột phá và sáng tạo. Trong đó, việc phân khúc khách hàng thành các nhóm khác nhau sẽ giúp cho các CTTC tiêu dùng cung cấp sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ. Còn với nhóm khách hàng có thu nhập thấp thì chỉ có thể vay để mua các sản phẩm như ti vi, quạt điện… Việc phân nhóm khách hàng nông thôn sẽ hỗ trợ các công ty trong việc quyết định giá trị khoản vay và sản phẩm tương ứng.