Chưa hỏng đã vội thay, vừa thay đã hỏng
Tái lấn chiếm lòng lề đường | |
"Bài toán vỉa hè" giải thế nào? |
Tuy nhiên, đáng lưu ý là mặt đá mới đưa vào sử dụng chưa đầy một năm đã bị bong tróc, gãy nát nhiều vị trí và cho đến nay, hầu hết các tuyến phố được lát đá tự nhiên đều xuất hiện tình trạng xuống cấp, cả hàng dài vỉa hè nham nhở những mảng vỡ, nứt, bề mặt lối đi vỉa hè lồi lõm, khấp khểnh gây bất lợi bất an cho người tham gia đi lại trên vỉa hè, chưa nói đến sự xấu xí làm giảm mỹ quan thành phố trầm trọng.
Nhiều tuyến phố ở Hà Nội mới được lát đá tự nhiên đã bị xuống cấp, nứt vỡ nham nhỡ |
Lý giải cho hiện tượng này, UBND quận Thanh Xuân cho biết, những viên đá tự nhiên lát vỉa hè có hạn chế là độ giòn cao. Trên đường Nguyễn Trãi, nhiều phương tiện đi lên khiến một số viên đá bị nứt. Một số người dân tự ý đục vỉa hè làm lối đi và hiện tượng ô tô đỗ trên vỉa hè tràn lan cũng gây ra hiện tượng nứt, vỡ.
Bên cạnh đó, chất lượng đá lát trên vỉa hè phụ thuộc vào lớp bê tông phía dưới, bởi vậy nhiều đoạn đá lát không được đảm bảo. Nhiều vị trí quanh gốc cây, trạm điện… việc lát đá không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng khiến đá bị nứt, vỡ...
Bác Nguyễn Văn Hiền (Thanh Xuân) bức xúc, nhiều con đường nhỏ lầy lội, ổ voi, ổ gà dân đề xuất, kiến nghị sửa chữa nhiều lần mà chẳng thấy đâu. Vỉa hè gạch lát cũ còn tốt, không bong tróc sao lại phá bỏ rồi thay mới làm gì? Thay mà chất lượng không bằng vỉa hè cũ sao không dừng lại để kiểm tra, sửa đổi mà vẫn cố tình thay tiếp?
Nên chăng, Hà Nội cần phải công khai, minh bạch các tuyến đường có lát đá, vì sao phải lát? Ngõ hầu, để người dân nắm và giám sát quá trình thay đá. Mặt khác, khi tiến hành thay đá vỉa hè, cần có sự phối hợp với các cơ quan chức năng để cùng giám sát, bảo vệ ngăn ngừa các phương tiện tự ý đi lên vỉa hè vừa thay, có như thế chất lượng của đá, của công trình mới được đảm bảo, người dân mới thoải mái được.
Bên cạnh đó, vỉa hè khi được lát, phải tuân theo quy chuẩn và thiết kế được cơ quan chức năng duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, việc chỉnh trang giữa các đơn vị không được thực hiện đồng bộ, dẫn đến vỉa hè thường xuyên bị biến dạng sau mỗi lần thi công điện, nước, viễn thông, đến khi hoàn trả thường chỉ đạt 70% chất lượng ban đầu.
Theo Thạc sĩ Kỹ thuật vật liệu Ngô Kim Tuân – Giảng viên khoa Công nghệ vật liệu xây dựng, trường Đại học Xây dựng, Hà Nội cho biết: có 2 nguyên nhân dẫn đến đá “bền 70 năm” lát vỉa hè ở Hà Nội đã vỡ nát, bong tróc chỉ sau 1 năm đưa vào sử dụng đó là do quy trình thi công (yếu tố quan trọng quyết định độ bền đá khi lát vỉa hè) đã không đủ tiêu chuẩn.
Nếu nền không bằng phẳng, không được san đầm đúng quy trình, theo thời gian sẽ bị lún, xói mòn, nước chảy qua các khe sẽ kéo cát và các vật liệu khác trôi mất, khiến cho đá lạt bị tình trạng rỗng chân. Cộng hưởng với tác động đi lại của các phương tiện, người đi bộ… gây bập bênh, trong khi đó đá là vật liệu không có khả năng chịu lực uốn, dẫn đến vỡ gãy là đương nhiên, không cần bàn cãi!
Bên cạnh đó, độ bền cơ học của đá tự nhiên không thể có sự đồng nhất trăm viên như một, đây chính là điểm yếu của vật liệu này mà khi đưa vào sử dụng lát vỉa hè đã không tính hết tác động của nó.
Được biết, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có 936 tuyến đường thuộc 12 quận nội thành, vỉa hè sẽ được thay thế toàn bộ từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững. Việc lát đá vỉa hè sẽ được thực hiện đồng bộ với việc lắp cáp quang, ống nước, điện ngầm để tránh việc đào bới sau này.
Có thể thấy, chủ trương thay thế đá vỉa hè là để đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan ở các tuyến phố chính là đúng đắn, song để thực hiện chủ trương này, cần căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cũng như quản lý sau đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị có như thế chuyện chưa hỏng đã thay, chưa thay đã hỏng mới giải quyết được tận gốc.