"Bài toán vỉa hè" giải thế nào?
TP.HCM: Tìm chỗ cho người bán hàng rong | |
Câu chuyện vỉa hè |
Từ nhiều năm nay, câu chuyện sắp xếp lại trật tự vỉa hè tại các thành phố lớn và các đô thị trong toàn quốc đều đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền bạc, nhân lực để tìm kiếm giải pháp quản lý vỉa hè. Nhưng, thực sự đây là “câu chuyện dài nhiều tập”. Kịch bản: Ra quân giải tỏa - Lấn chiếm - Ra quân giải tỏa… cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác. Nguyên nhân cũng bởi vỉa hè là nơi mưu sinh của một bộ phận không nhỏ người dân.
Ảnh minh họa |
Bởi vậy, theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra là làm thế nào vừa đảm bảo cho người dân ổn định kinh doanh, buôn bán nhằm đảm bảo cuộc sống mưu sinh của họ mà vẫn giữ gìn trật tự đô thị, trả lại không gian thông thoáng cho vỉa hè.
Trước hết, phải tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị một cách đồng bộ, để dần dần chức năng của cái gì thì sẽ trả về chỗ đó. Như, cần quy hoạch về thương mại và dịch vụ theo hướng khuyến khích các hình thức thương mại dịch vụ hiện đại, văn minh, hạn chế dần thói quen mua bán, ăn uống, giải trí trên vỉa hè. Cần quy hoạch phố đi bộ, phố chuyên doanh.
Đặc biệt một vấn đề rất quan trọng hiện nay là quy hoạch giao thông tĩnh, đó là bến xe, nơi để xe. Nơi đỗ xe, kể cả ô tô và xe máy hiện nay cũng đã là một nan đề. Nếu không giải quyết được nơi đỗ xe thì vấn đề vỉa hè cũng khó mà giải quyết được một cách căn bản.
Cần xây dựng bộ quy chế quản lý vỉa hè một cách đồng bộ, tạo sự hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và lợi ích của người dân, hài hòa các mục tiêu giao thông, kinh tế và văn hóa, đảm bảo sự đồng bộ theo cả chiều ngang và chiều dọc...
Vỉa hè tưởng nhỏ nhưng việc giải quyết nó không bao giờ thành công nếu chỉ tính lợi cho một phía. Bởi bất cứ chính sách đô thị nào cũng mang tính chất “nhị nguyên”, tức là dân có lợi mà chính quyền cũng có lợi. Singapore không thể có được một xã hội xanh, sạch, đẹp, trật tự như ngày hôm nay nếu ông Lý Quang Diệu chỉ hướng đến việc làm sạch bong vỉa hè phục vụ cho giao thông bộ hành. Ông đã hướng đến “sức sống vỉa hè và linh hồn phố phường”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc nhiều ý kiến cho rằng dọn dẹp vỉa hè ảnh hưởng đến phát triển kinh tế là quá khiên cưỡng. Vì đây thực chất chỉ là dọn dẹp sạch sẽ trên vỉa hè, chặt bỏ những vỉa ba toa chiếm dụng vỉa hè, chứ không cấm kinh doanh đối với những gia đình có mặt tiền trên vỉa hè. Về hình thức, các hoạt động kinh doanh không mất đi, chỉ chuyển hóa sang hình thức kinh doanh khác.
Theo ông Phong, chiến dịch này phải đảm bảo 4 mục tiêu: cảnh quan đô thị; sinh kế cho những người có nhà trên vỉa hè và bán hàng rong; thu ngân sách. Và mục tiêu cuối cùng là chống những hoạt động bảo kê ngầm. Nếu làm tốt chiến dịch này, chắc chắn bộ mặt kinh tế sẽ thay đổi.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, cần xem xét ở nhiều góc độ, nhiều quan điểm. Thực ra nếu không buôn bán ở vỉa hè sẽ buôn bán ở cửa hàng, ở chợ. Ông Hiển cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, do ảnh hưởng của chiến dịch vỉa hè mà các gia đình có mặt phố sẽ bị giảm tiền thuê nhà, gián tiếp tác động đến thị trường bất động sản. Bởi xét cho cùng, chiến dịch này chỉ hướng đến thay đổi hành vi kinh doanh. Ông ví dụ, ở những ngày đầu tiên chỉ có một hộ gia đình chấp hành, lùi vào đúng vị trí cho phép của họ sẽ thiệt hại hơn do bị khuất lấp bởi những người không chấp hành quy định.
Xét cho cùng thì việc sắp xếp lại vỉa hè thật sự là bài toán khó đặt ra đối với các ngành chức năng bởi nó mang cả lợi ích cá nhân và lợi ích cảnh quan đô thị. Vì vậy việc sắp xếp, quản lý vỉa hè một cách tổng thể, có tính chất ổn định lâu dài thì sẽ mang lại lợi ích cho nhiều phía và bài toàn này đòi hỏi các nhà hoạch định, các ngành chức năng quản lý sẽ có lời giải phù hợp.