Vỉa hè lên giá
Chưa hỏng đã vội thay, vừa thay đã hỏng | |
Tái lấn chiếm lòng lề đường |
HĐND TP. Hà Nội mới đây đã thông qua Nghị quyết về Đề án sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của mình. Theo đó, từ 1/1/2018, mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ ô tô tăng thấp nhất là 50% và tăng cao nhất là 300% so với mức cũ, với giá trị tuyệt đối tăng tương ứng từ 20-160 nghìn đồng/m2/tháng.
Vỉa hè trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội từ lâu đã thành nơi trông xe |
Trong khi đó, mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ xe đạp, xe máy tăng thấp nhất là 5 nghìn đồng/m2/tháng và cao nhất là 90 nghìn đồng/m2/tháng, tùy theo khu vực, tuyến phố. Nguyên tắc là mức phí cao nhất thuộc 12 tuyến phố khu bảo tồn cấp I đô thị lõi quận Hoàn Kiếm, phí giảm dần ở vùng xa trung tâm.
Về phương thức thu nộp ngân sách, UBND thành phố trình phương án thu theo m2 đối với diện tích sử dụng trông giữ phương tiện theo truyền thống (không ứng dụng công nghệ); thu theo tỷ lệ % doanh thu đối với diện tích sử dụng ứng dụng thông minh iParking. UBND thành phố cũng đề xuất áp dụng mức thu phí mới từ ngày 1/1/2018.
Đề cập đến vấn đề này, nhiều người dân tỏ ra lo ngại, vỉa hè vốn là nơi dành cho người đi bộ, chúng ta cho thuê tràn lan thì người đi bộ sẽ đi vào đâu? Vỉa hè biến thành nơi gửi xe, bán hàng bộ mặt đô thị biến tướng, nhếch nhác không còn văn minh đô thị nữa thì xử lý thế nào? Những người có nhà mặt phố mà không thuê vỉa hè thì để xe thế nào, kinh doanh ra sao?...
Tuy nhiên, một số nhà chuyên môn lại có quan điểm khác. Họ cho rằng nếu chúng ta không cho thuê thì vỉa hè cũng đã và đang bị lấn chiếm tràn lan làm nơi kinh doanh, trông giữ xe… và đương nhiên, tiền vào túi một số cá nhân. Nếu chúng ta quản lý cho thuê tốt, vỉa hè vừa đảm bảo thông thoáng, ngân sách thành phố có thêm một khoản kinh phí để tái đầu tư thì đây là việc làm tốt, có ý nghĩa.
Đồng thời, việc tăng phí thuê lòng đường, vỉa hè là cần thiết để đạt được mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào nội đô, khuyến khích nhà đầu tư xây dựng bãi đỗ xe tập trung nhưng cần có lộ trình và xem xét mức tăng hợp lý. Đương nhiên, bên cạnh đó việc cho thuê phải đảm bảo công bằng, minh bạch người thuê phải đảm bảo giữ gìn vệ sinh và có đủ không gian dành riêng cho người đi bộ…
Chia sẻ quan điểm ủng hộ lập luận trên, nhưng anh Trần Văn Đường (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn còn một số băn khoăn. Vỉa hè vốn là nơi dành cho người đi bộ và là nơi để xe cho người dân sinh sống, kinh doanh trên đó. Trước kia những hộ dân sống ven đường thường mặc định vỉa hè là của mình, dẫn đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè khá lộn xộn. Việc cho thuê vỉa hè làm nơi đỗ xe, kinh doanh đã phần nào giảm bớt tình trạng lấn chiếm vỉa hè, song việc này cần minh bạch.
“Nên chăng chúng ta tổ chức đấu giá việc sử dụng lòng đường, vỉa hè để các tổ chức cá nhân tham gia công khai, minh bạch”, anh Đường nêu ý kiến. Cùng với đó, việc cho thuê vỉa hè với sự quản lý rõ ràng thống nhất từ thành phố cũng sẽ tạo điều kiện để người dân, DN yên tâm sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh.
Còn chị Nguyễn Bích Thủy (Ba Đình, Hà Nội) thì thẳng thắn góp ý, cho thuê vỉa hè bao nhiêu là quyền của nhà nước, nhưng cần tính toán để hài hòa lợi ích và tránh thiệt hại cho ngân sách. Thực tế, trước kia giá cho thuê vỉa hè khá thấp, song người dân khi đi gửi xe, kinh doanh trên vỉa hè vẫn phải chịu mức giá cao gấp 2-3 lần so với quy định.
Đơn cử như quy định gửi xe máy là 3 nghìn đồng/lượt, song nhiều nơi sử dụng vỉa hè để trông giữ xe, tiền gửi xe bị “đội” thành 5-10 nghìn đồng/lượt. Số tiền chênh này người tiêu dùng phải trả mà ngân sách cũng chẳng thu thêm được. “Thành phố cần dứt khoát chấn chỉnh các sai phạm này, điều chỉnh lại phí sử dụng lòng lề đường để hạn chế phương tiện cá nhân, cũng như thu hút DN đầu tư vào giao thông”, chị Thủy nêu ý kiến.
Có thể thấy, vỉa hè là mảnh đất đầy màu mỡ. Việc quản lý, khai thác và sử dụng mảnh đất này như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của các nhà quản lý. Thế nhưng, dù khai thác và sử dụng nó như thế nào, yếu tố quan trọng nhất phải đảm bảo là mỹ quan đô thị và không gian cho người đi bộ. Đừng vì cái lợi nhỏ trước mắt mà mất đi mỹ quan của đô thị cũng như mất đi không gian chung của người dân.