Chuẩn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp
3 vấn đề cần quan tâm khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp | |
Đầu tư trái phiếu DN, tại sao không? |
Ảnh minh họa |
Thị trường TPCP Việt Nam đứng top đầu châu Á
Khi kinh tế càng phát triển, thị trường trái phiếu, bao gồm trái phiếu Chính phủ (TPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng vốn trung và dài hạn.
Theo ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX), thị trường TPCP trong hơn 10 năm qua đã đạt được những dấu ấn quan trọng: hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ, tính thanh khoản tốt, cơ sở hạ tầng và sản phẩm không ngừng cải thiện.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TPCP đứng ở top đầu châu Á về tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, thị trường sơ cấp đã đạt tăng trưởng bình quân lên đến 54,8%/năm. Trong khi đó, trên thị trường thứ cấp, từ quy mô niêm yết chiếm chưa đến 9% GDP năm 2009 đã tăng hơn 3 lần, đạt mức 27% GDP năm 2018. “Với sự tăng trưởng ấn tượng, thị trường TPCP đã trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng cho toàn nền kinh tế nói chung và thu hút vốn cho NSNN phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế nói riêng”, ông Nguyễn Như Quỳnh cho biết.
Bổ sung thêm thông tin, ông Phạm Văn Hiếu, Phó Phòng Thị trường Tài chính, Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính cho hay, thanh khoản trên thị trường TPCP và TPCP bảo lãnh đã tăng khoảng 22 lần. Tỷ lệ nhà đầu tư phi ngân hàng tăng từ 31,8% năm 2011 đến 2018 và tiếp tục cải thiện trong 5 tháng đầu năm 2019.
Chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp với HNX tổ chức mới đây, ông Donghyun Park – Chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay cũng đã tương đương với Indonesia. Dữ liệu của ADB cho thấy, thị trường TPCP của Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh vài năm trở lại đây nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với các quốc gia khác trong khu vực, như so với thị trường trái phiếu Thái Lan hay Malaysia.
“Điểm tích cực và quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong vài năm qua và chúng tôi kỳ vọng thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới, không chỉ là TPCP mà cả thị trường TPDN”, ông Donghyun Park phát biểu. Ông cũng cho biết: “Chúng tôi thấy rất lạc quan về triển vọng của thị trường trái phiếu Việt Nam và khả năng của nó trong việc cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Tôi tin rằng trong tương lai gần Việt Nam sẽ đuổi kịp về thị trường trái phiếu với các nước khác trong khu vực”.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế của ADB cho hay, Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải triển khai để tăng hơn nữa cả về bên cung và bên cầu cho thị trường trái phiếu. Trong đó, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào vấn đề cải thiện thu thập thông tin, công bố thông tin, cải tiến thủ tục quy trình trong niêm yết trái phiếu. Cùng với đó là cần phát triển các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước, cũng như tăng cường phát triển các nhà đầu tư định chế, thu hút được mạnh hơn nữa sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế.
Tập trung thúc đẩy thị trường TPDN
Bên cạnh những thành tựu đạt được từ thị trường TPCP, mục tiêu tiếp theo là phát triển thị trường TPDN một cách minh bạch, chuẩn hóa và bài bản. Đây là một thị trường còn non trẻ nhưng cũng đang ngày càng phát triển trong những năm gần đây trong bối cảnh vươn lên mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân.
Theo tính toán của HNX, tổng dư nợ TPDN phát hành dưới hình thức riêng lẻ tăng mạnh kể từ năm 2013, tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây đạt 39%/năm. Tổng dư nợ TPDN đến cuối năm 2018 đạt 474.500 tỷ đồng, bằng 8,6% GDP. Nhu cầu huy động vốn của các DN ngày càng tăng và thị trường TPDN được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình 30-40%/năm trong những năm tới.
Tuy có lợi thế và tiềm năng như vậy nhưng thị trường TPDN cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Phòng thị trường trái phiếu (HNX) cho biết, hiện các thông tin về kỳ hạn và lãi suất TPDN chưa tập trung, thông tin về các đợt phát hành được công bố ở nhiều nơi khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong nắm bắt thông tin thị trường. Lịch biểu phát hành TPDN hiện cũng không được công bố tại một địa chỉ tập trung khiến nhà đầu tư khó chủ động thu xếp vốn. Trên thị trường cũng chưa có các công ty định giá tín nhiệm để nhà đầu tư có cơ sở phân tích và lựa chọn các danh mục phù hợp với khẩu vị của mình…
Trước thực tế các dữ liệu thông tin về TPDN thực tế còn rất phân tán, manh mún, chưa được chuẩn hóa và đáp ứng được các yêu cầu về minh bạch như vậy, cơ quan quản lý trong thời gian vừa qua đã và đang thực hiện các biện pháp chuẩn hóa thị trường thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tạo thuận lợi (đặc biệt là Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN), áp dụng hệ thống công nghệ giao dịch đồng bộ, cải tiến nghiệp vụ cùng với môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút các dòng vốn trong và ngoài nước.
Để phát triển thị trường trái phiếu mạnh hơn nữa, ông Phạm Văn Hiếu cho biết, Bộ Tài chính đang đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường, trong đó tập trung vào sửa đổi Luật Chứng khoán hiện hành (Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV và sẽ tiếp tục được thảo luận và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8), xây dựng các nghị định hướng dẫn nhằm thúc đẩy DN huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Đối với thị trường TPCP, cơ quan quản lý sẽ phát hành TPCP đều đặn các kỳ hạn chuẩn, tập trung vào các kỳ hạn trên 5 năm để tăng tính bền vững của danh mục nợ TPCP. Đồng thời, triển khai hệ thống nhà tạo lập thị trường TPCP với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Bên cạnh đó, sẽ thí điểm phát hành các mã trái phiếu chuẩn để thực hiện chào giá cam kết chắc chắn, thực hiện nghiệp vụ hoán đổi TPCP, và nghiên cứu triển khai các sản phẩm mới vào thời điểm thích hợp. Để phát triển cơ sở nhà đầu tư, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu khả năng đưa TPCP của Việt Nam vào chỉ số thị trường trái phiếu mới nổi toàn cầu của một số tổ chức quốc tế uy tín.
Với thị trường TPDN, hiện HNX đang được giao nhiệm vụ xây dựng chuyên trang thông tin về TPDN tại HNX. Chuyên trang được xây dựng với mục tiêu tạo ra một cơ sở dữ liệu tập trung, chính thống và cung cấp các thông tin cơ bản phục vụ cho việc tra cứu và ra quyết định phát hành, đầu tư trên thị trường TPDN.
“HNX cam kết dành một nguồn lực xứng đáng để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển của thị trường TPDN trong thời gian tới”, ông Nguyễn Như Quỳnh cho biết. Hiện dự thảo Quy chế về chuyên trang thông tin đã được HNX gửi xin ý kiến tất cả các bên liên quan.