Chuyển đổi số để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện
Hội nghị được tiến hành trong khuôn khổ chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng xanh do GIZ thực thi tại Việt Nam theo ủy nhiệm của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ). PGS.TS. Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
PGS.TS. Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN phát biểu khai mạc Hội nghị |
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nên những thay đổi căn bản trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, từ nước phát triển đến nước đang phát triển, từ thành thị đến nông thôn. Cuộc cách mạng này đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện một cách bền vững.
Tại Việt Nam, ngày 27/9/2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trong đó, có nhận định “Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế”... “Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam còn thấp”. Do đó, “chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng...”. Hướng đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% GDP của Việt Nam.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với hạt nhân là chuyển đổi số là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động và giải quyết các vấn đề về xã hội, đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng. Trong tiến trình đó, tài chính - ngân hàng được xác định là một trong “các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao” cần tập trung phát triển. Tài chính - ngân hàng được xác định là một trong “các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao” cần tập trung phát triển.
TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng/Giám đốc chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởg xanh GIZ phát biểu tại Hội nghị |
Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng thanh toán di động 8 tháng đầu năm tại Việt Nam tăng 150% về giá trị và 100% về số lượng so với cùng kỳ năm trước. Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng lên 61% từ mức 37% của năm 2018.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN đã khẳng định xu hướng chuyển đổi số là tất yếu không thể đảo ngược trong hệ thống tài chính ngân hàng. Phó Thống đốc cũng cho biết, ngành Ngân hàng ở Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành dẫn dầu trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khuôn khổ chính sách, hạ tầng công nghệ liên tục được hoàn thiện, đáp ứng tốt các nhu cầu của thực tiễn.
Có thể kể tới như: (1) Xây dựng khuôn khổ chính sách liên quan ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng; chính sách an toàn, bảo mật dữ liệu, hệ thống CNTT; (2) Ban hành các tiêu chuẩn cơ sở về đặc tả kỹ thuật mã QR và Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; (3) Phát triển hạ tầng CNTT, hạ tầng thanh toán, thông tin tín dụng; kết nối tích hợp hạ tầng ngân hàng với hạ tầng khác để tạo hệ sinh thái số...; (4) Hỗ trợ sự phát triển của các công ty fintech; hợp tác ngân hàng - fintech (5) Tăng cường công tác truyền thông về ngân hàng số và fintech...
Trong khi đó, TS. Sebastian Paust, Tham tán thứ nhất phụ trách Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội nhấn mạnh sự hợp tác hiệu quả giữa Đức và Việt Nam thông qua mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa GIZ và Ngân hàng Nhà nước; đặc biệt là ý tưởng gắn chuyển đổi số với các mục tiêu phát triển bền vững và tài chính toàn diện. Ngài Tham tán cũng giới thiệu Chiến lược hợp tác phát triển của Đức về hỗ trợ chuyển đổi số và cho biết thời gian qua BMZ đã tăng đáng kể nguồn vốn dành cho các dự án số, trong đó châu Á là một trọng tâm. Ông cũng bày tỏ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và hệ thống tài chính - ngân hàng thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số.
Toàn cảnh Hội nghị |
Cũng tại Hội nghị, TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng/Giám đốc Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng xanh đưa ra nhận định: “Quá trình số hóa và những thay đổi nhanh chóng của công nghệ đã và đang mở ra những tiềm năng lớn để khắc phục những thiếu hụt về nguồn vốn và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu xanh hóa nền kinh tế và phát triển bền vững”. Ông cũng bày tỏ cam kết đóng góp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khung chính sách và quy định về tài chính - ngân hàng số và Fintech tại Việt Nam nhằm thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu hợp tác về tài chính - ngân hàng xanh, bền vững.
Với hai phiên thảo luận về khung chính sách pháp lý trong số hoá hệ thống ngân hàng, Fintech và Các mô hình chuyển đổi số trong hệ thống tài chính - ngân hàng, các chuyên gia trong và ngoài nước, các cán bộ làm việc thực tiễn cũng như các đơn vị nghiên cứu, hoạch định chính sách đã tích cực trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm đưa ra những sáng kiến mới, những đề xuất, khuyến nghị cụ thể có tính khả thi cao để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần thực hiện thành công những mục tiêu lớn trong giai đoạn tới là tài chính toàn diện và hướng tới phát triển bền vững.