Cơ cấu nền kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng đã đạt mục tiêu
Tái cơ cấu nền kinh tế phải chạy đua với thời gian | |
Phải có những giải pháp quyết liệt, đột phá để tái cơ cấu nền kinh tế |
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ sáng 22/5 |
Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng đã lấy lại đà
Nhìn chung các đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2018, đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%, lạm phát cơ bản tăng 1,34%; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện tích cực. Đặc biệt, tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt tới 7,38% - cao nhất trong 10 năm qua.
Đại biểu Lê Kim Toàn cho rằng, cách đây hơn 15 năm, sau 10 năm thực hiện cương lĩnh năm 1991, đặc biệt sau 6 năm Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam, khi đó nhiều năm liền tăng trưởng GDP cũng đạt trên 7%. Nhất là năm 2007 việc Việt Nam gia nhập WTO đã tạo khí thế rất mạnh trong tất cả các lĩnh vực, nhưng rất tiếc mấy năm sau đó chúng ta cũng chịu chung ảnh hưởng của cuộc khủng hoáng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nên kinh tế bị sụt giảm...
“Nhắc lại những con số và mốc thời gian trên để thấy đây là cả một quá trình chúng ta đặt mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng giữ ổn định vĩ mô đến thời điểm này đã đạt mục tiêu đó”, đại biểu Toàn phân tích.
Một điểm sáng nữa cũng được vị đại biểu này nhắc tới đó là nếu như nhiều năm trước Việt Nam có tỷ trọng nhập siêu lớn, thì năm 2017 chúng ta đã xuất siêu. Cho thấy chất lượng nền kinh tế tăng trưởng tốt và tạo nền tảng cho năm 2018 và giai đoạn phát triển tiếp theo.
Đi sâu phân tích nguyên nhân đạt được các kết quả trên, nhiều đại biểu cũng ghi nhận và đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Theo đó, chính sách tiền tệ được điều hành hết sức chủ động, linh hoạt, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Thanh khoản của hệ thống được duy trì ở mức hợp lý đã giúp ổn định mặt bằng lãi suất cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%.
Bên cạnh đó, công tác xử lý nợ xấu cũng được đẩy nhanh hơn kể từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội được ban hành và đi vào cuộc sống, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Đặc biệt, các đại biểu đánh giá cao công tác điều hành tỷ giá của NHNN chẳng những đã giúp ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước mà NHNN còn mua vào được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia; trong khi vẫn đảm bảo kiềm chế lạm phát ở mức thấp.
“Động tác bơm tiền mặt ra thị trường để cân đối với hút tiền ngoại hối trong đó có xuất nhập khẩu và tiền kiều hối được thực hiện tương đối nhuần nhuyễn. Qua đó, giúp cho việc lần đầu tiên chúng ta có dự trữ ngoại hối Nhà nước tới trên 63 tỷ USD, đảm bảo nền kinh tế trong bất kỳ tác động, biến động nào của kinh tế thế giới thì chúng ta vẫn có khả năng giữ ổn định ở trong nước được”, TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá.
Cần tiếp tục phát huy vai trò Chính phủ kiến tạo
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần phải nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới. Đó là tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng còn thấp, tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm...
Lo ngại trước tình hình giải ngân vốn đầu tư chậm, đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) cho rằng, sử dụng vốn đầu tư công của chúng ta chưa hiệu quả; gần cuối tháng 5 rồi mà tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 16,4%, trong khi vốn đầu tư của chúng ta rất có hạn, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhu cầu đầu tư còn rất cao, nhiều đòi hỏi bức thiết chưa bố trí được.
“Nếu sử dụng đầu tư có hiệu quả thì sẽ góp phần tăng trưởng GDP tốt hơn, giải quyết nhiều vấn đề cho đất nước và cho các địa phương”, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định nêu quan điểm và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, đơn vị nào, dự án nào chưa đáp ứng yêu cầu thì chuyển cho công trình, dự án khác đã có đầy đủ hồ sơ và đã triển khai rồi. Như vậy sẽ phát huy hiệu quả hơn đồng vốn của mình, nâng cao chất lượng đầu tư.
Đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) cũng chỉ ra những thách thức trong thời gian tới như sử trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, điển hình như Mỹ; áp lực cạnh tranh khi đất nước hội nhập với kinh tế thế giới; cuộc cách mạng 4.0 hay nguy cơ dòng vốn đảo chiều... Tất cả những điều đó đòi hỏi phái có giải pháp hết sức linh hoạt.
Ấn tượng với kết quả kinh tế - xã hội năm 2017 và 5 tháng qua, nhưng theo đại biểu Thuận Hữu (Hải Phòng), thời gian tới cần tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội đúng với tinh thần của Chính phủ kiến tạo.
Đại biểu Thuận Hữu cho rằng, các chính sách ban hành cần phải nghĩ tới dân và vì dân. “Câu chuyện thuế tài sản vừa qua dấy lên câu chuyện thắc mắc, hoài nghi”, đại biểu Thuận Hữu ví dụ, và ông cho rằng, thuế tài sản nhiều nước cũng làm nhưng phải cân nhắc điểm xuất phát của giá trị tài sản, thời gian thực hiện việc thu…, không nên để người dân có cảm giác phí cứ chồng lên phí. Khi đánh thuế tài sản rồi thì các loại phí thuế khác phải thôi, vì từ lúc xây nhà đã trả nhiều loại phí rồi.
“Rồi thuế môi trường với xăng mới đây đưa ra vẫn thấy có gì đó chưa thỏa đáng và có cảm giác tận thu”, vị đại biểu là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu thêm và đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành nên tính toán kỹ những chính sách trên cơ sở hài hòa lợi ích của người dân.