Tái cơ cấu nền kinh tế phải chạy đua với thời gian
Phải có những giải pháp quyết liệt, đột phá để tái cơ cấu nền kinh tế | |
Tái cơ cấu nền kinh tế thành tựu có nhiều nhưng vẫn xa kỳ vọng | |
Tái cơ cấu nền kinh tế đang rất xa kịch bản |
Nhiệm vụ không thể trì hoãn
Trong buổi làm việc đầu tiên với Thủ tướng Chính phủ, khi trình những phân tích, nhận định của Tổ tư vấn về tình hình kinh tế, TS. Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn đã nói rằng động lực tăng trưởng thời gian tới không thể dựa vào tăng vốn đầu tư khu vực nhà nước và khai thác tài nguyên. Theo ông: “Muốn đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7% thì cần tập trung thực hiện một số giải pháp, trong đó tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế phải chạy đua với thời gian”.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu, cần có những chương trình cụ thể cho từng trụ cột |
Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra cho 5 năm 2016 -2020 là từ 6,5 - 7%, và mục tiêu Thủ tướng quyết tâm theo đuổi cho năm nay là 6,7%. Nhìn lại tăng trưởng đang thấp hiện nay, các chuyên gia cho rằng: “Lý do cuối cùng có thể nằm ở vấn đề chậm tái cấu nền trúc kinh tế”. Bàn về khả năng tăng trưởng, TS. Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói rằng: “Giá dầu thì cứ giảm đi trong khi chi phí khai thác thì cao, tiền tiêu thì không có… vậy lấy gì để tăng trưởng. Muốn tăng trưởng phải đẩy mạnh tái cơ cấu”.
Cho rằng điều kiện tăng trưởng vẫn còn nhưng TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn thêm: “Nếu quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng chưa xong, nếu thúc đẩy tăng trưởng quá cao thì lại sử dụng mô hình tăng trưởng cũ không hiệu quả”.
Thúc đẩy tái cơ cấu đã được nhắc đi nhắc lại quá nhiều và liên tục, xong đến nay “vẫn chậm, chưa đạt kỳ vọng”. Lãnh đạo Chính phủ đã tỏ sự kiên quyết và đã nhắc đến cả hình thức quy trách nhiệm cho những ai chậm chạp thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu. Nhưng những thành quả của tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua còn rất hạn chế, chưa tạo điều kiện để có một mô hình tăng trưởng tốt.
Trong các trụ cột tái cơ cấu, mới có tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng được xem là có nhiều kết quả tích cực hơn cả dù vẫn còn nhiều việc phải làm. Tái cơ cấu DNNN mới chỉ đạt được kết quả về số lượng chứ chưa đi vào thực chất, chưa đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đặt ra. Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí đầu tư…
Đánh giá tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở góc độ cấu trúc đầu vào thì vẫn mang nặng màu sắc tăng trưởng dựa vào vốn. Nếu xét theo ngành, vẫn mang đậm nét mô hình tăng trưởng nhờ vào gia công. Xét theo thành phần kinh tế thì động lực tăng trưởng và cả xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài…
Xây dựng tiêu chí giám sát tái cơ cấu
Nhắc lại tái cơ cấu kinh tế có các nội dung bao trùm: đầu tư công, khu vực DNNN, hệ thống tài chính - ngân hàng và hoạt động tái cơ cấu bộ máy nhà nước, ông Thiên cho rằng những việc này đều có trục cơ bản và đều cấp bách cả nên không thể ưu tiên trục nào hơn. Cũng cùng góc nhìn phải tái cơ cấu tổng thể thật nhanh và quyết liệt, ông Bùi Trinh (chuyên gia cao cấp của Tổng cục Thống kê) điểm lại từng ngành, từng lĩnh vực trong nền kinh tế và chốt lại bằng một câu “Cấu trúc kinh tế của Việt Nam có vấn đề ở mọi lĩnh vực, từ quá trình phân phối lần đầu đến quá trình phân phối lại. Do đó, không nên sửa chữa ở một khâu nào mà cần làm đồng thời ở toàn bộ các khâu”.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu, các chuyên gia cho rằng cần có những chương trình cụ thể cho từng trụ cột. Với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, các chuyên gia cho rằng phải nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, minh bạch được cách tính nợ xấu, xử lý mạnh các tổ chức tín dụng yếu kém, tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn hệ thống, ban hành quy trình cụ thể trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém…
Về tái cơ cấu đầu tư công, phân bổ vốn đầu tư ngân sách theo hướng gắn với kết quả đầu ra, thực hiện nguyên tắc trần ngân sách cứng trong các hoạt động đầu tư công. Cần có bộ tiêu chí thống nhất và có tính khả thi để đánh giá mức độ cần thiết của dự án đầu tư, tính hiệu quả đầu tư và khả năng triển khai giữa các dự án. Và cần thể chế hóa chặt chẽ quy trình đầu tư công và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư.
Tái cơ cấu DNNN thì phải hướng đến chất lượng quá trình cổ phần hóa và chất lượng DN sau cổ phần hóa, tập trung cải tiến hệ thống quản trị DN, hướng tới các mô hình quản trị DN toàn cầu, và quá trình cổ phần hóa phải gắn với hoàn thiện mô hình cơ quan quản lý vốn Nhà nước…
Theo các chuyên gia đến lúc này, muốn thúc đẩy tái cơ cấu nhanh và thực chất, bên cạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại nền kinh tế thì cần phải xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá quá trình tái cơ cấu với các chỉ tiêu cụ thể và gắn với trách nhiệm giải trình. CIEM đã phác thảo khung xây dựng hệ thống tiêu chí giám sát quá trình cơ cấu lại nền kinh tế với bộ tiêu chí đánh giá gồm các chỉ tiêu cụ thể để đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế hàng năm và tổng kết đến năm 2020.
Bộ Khung này gồm 3 nhóm tiêu chí: về các hoạt động cải cách, tiêu chí đánh giá kết quả trực tiếp và kết quả gián tiếp của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chỉ tiêu đánh giá tác động dài hạn của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. CIEM hy vọng áp dụng bộ khung đánh giá này thì số liệu sẽ minh bạch chính xác, công khai, tránh bị bóp méo và bộ khung này đặc biệt lưu ý các chỉ tiêu về chất lượng, năng suất lao động, môi trường.
“Nếu không có sự quyết tâm trong tái cơ cấu thì rất khó khăn đạt được mục tiêu tăng trưởng. Nếu làm đúng, quá trình tái cơ cấu được đẩy mạnh sẽ tạo ra một động lực tăng trưởng mới, tốc độ tăng trưởng sẽ vượt mục tiêu và đạt mức 8-9%. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm làm hay không”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh. GS.Trần Thọ Đạt (Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân) thì phát biểu rằng: “Đây là một công cuộc lâu dài mà thành công của nó phụ thuộc vào sự kiên định và ý chí của cả hệ thống chính trị”.