Cơ hội “thay máu” cho các tổ chức tín dụng
Sắp bội thực… cổ phiếu
Liên tục trong thời gian qua các tập đoàn, tổng công ty lớn Nhà nước thông báo về kế hoạch thoái vốn từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngoài ngành cốt lõi.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố: ngày 9/8/2013, Tập đoàn này bán đấu giá công khai theo lô lớn 25,2 triệu cổ phiếu (CP) tại ABBank qua HNX với giá khởi điểm là 10.000 đồng/CP. Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đã lên kế hoạch sẽ thoái toàn bộ 24 triệu CP tại Techcombank. Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho biết từ nay đến năm 2015, Tập đoàn sẽ thực hiện thoái toàn bộ 80 triệu cổ phiếu, chiếm 20% vốn tại OceanBank…
Thoái vốn là vấn đề mua bán giữa các cổ đông mà sự ảnh hưởng của các cổ đông này với ngân hàng là không lớn
Nhận định làn sóng thoái vốn của các “ông lớn”, Phó tổng giám đốc của một công ty kiểm toán lớn tại Việt Nam cho rằng, đây là động thái thực hiện theo đúng lộ trình của Chính phủ, nhằm tái cơ cấu nền kinh tế. TS. Cấn Văn Lực cho biết, kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy việc đầu tư của các tập đoàn lớn vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng khá rủi ro mà hiệu quả không cao vì nguồn vốn bị phân tán, đầu tư “trái tay”… Do đó chủ trương thoái vốn là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, theo các chuyên gia tài chính, với mức giá 10.000 đồng/CP mà các doanh nghiệp nhà nước trên định chào bán thì khả năng hoàn tất việc thoái vốn, trong ngắn hạn, là không lớn. Bởi hiện tại, giá CP của các ngân hàng mà các doanh nghiệp nhà nước có cổ phần đều đang được giao dịch trên sàn chứng khoán với giá thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/CP. Ví như giá CP OceanBank chỉ dao động 5.000 – 7.000 đồng/CP; giá CP ABBank dao động từ 6.000 – 7.400 đồng/CP; duy chỉ có giá CP Techcombank hiện “ngấp nghé” mệnh giá, dao động ở mức 9.100 – 10.000 đồng/CP.
Mặt khác, nhân tố cản trở thành công của việc thoái vốn đó là nguy cơ sắp tới thị trường sẽ “bội thực CP” khi các doanh nghiệp; tập đoàn nhà nước lớn cùng tung “hàng” tại một thời điểm. Vì ai cũng muốn bán được hàng nhanh và số lượng lớn, nên giá không thể… tốt vì trong bối cảnh hiện nay thì thị trường khó có thể hấp thụ một lượng CP lớn như vậy.
Hơn nữa, khi chọn CP chắc chắn nhà đầu tư chỉ chọn CP tốt mua trước. Vậy thì các CP còn lại rất dễ rơi vào cảnh ế ẩm. Như vậy, sẽ có những tập đoàn gặp thất bại trong đợt chào bán CP của mình. “Do đó nếu không có một cơ quan nào đứng ra điều phối thì việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty khó có thể thành công nếu lấy tiêu chí bảo toàn giá trị vốn để đánh giá”, vị này khuyến nghị.
Lãnh đạo một NHTMCP cho rằng, một trong những giải pháp đối với các tập đoàn lớn của Nhà nước là chấp nhận bán với giá thấp hơn mệnh giá thì mới có thể giúp họ bán hết được số CP phải thoái vốn. Ví như giá CP của một ngân hàng được định giá ở mức 10.000 đồng/CP, nhưng có thể vẫn phải chấp thuận bán với giá 5.000 – 8.000 đồng/CP trên thị trường.
Hơn nữa, nếu tiếp tục yêu cầu các “ông lớn” phải bảo toàn vốn nhà nước, tức là giá bán CP thậm chí bị quy định là “không thấp hơn giá mua vào” thì đó là yêu cầu khó thực hiện được trong thời điểm này. Bởi tìm được NĐT đủ năng lực tài chính đã khó, nói gì đến việc kỳ vọng họ móc hầu bao mua các tài sản trên ngang với giá ban đầu.
Trả lời báo chí gần đây, Chủ tịch PVN Phùng Đình Thực cũng thừa nhận, trong tình hình hiện nay khó thực hiện việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng mà vẫn bảo toàn vốn nhà nước. Chính vì vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong thời gian tới phải có thông điệp rõ ràng với thị trường về giá trị khoản đầu tư của Nhà nước giảm như vậy thì sẽ được xử lý ra sao.
Đầu tư vào ngân hàng: phải nhìn xa hơn
Một câu hỏi được dư luận đặt ra, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với vai trò là cổ đông lớn, từng được coi là chỗ dựa về tài chính, khách hàng và thương hiệu của các ngân hàng, việc thoái vốn của họ sẽ tác động thế nào đến hoạt động ngân hàng. Về vấn đề này, các chuyên gia tài chính ngân hàng đều cho rằng, tác động là không đáng kể.
Lãnh đạo một công ty kiểm toán nhận định: thoái vốn là vấn đề mua – bán giữa các cổ đông chứ không phải ngân hàng. Mặt khác, sự hỗ trợ của các cổ đông trên đối với các ngân hàng là không nhiều. Ví dụ như EVN dù chiếm tỷ lệ vốn khá cao tại ABBank nhưng tầm ảnh hưởng trực tiếp của tập đoàn này cũng không đáng kể.
Hơn thế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường chứng khoán đang giảm nên giá trị vốn cổ phần tại các ngân hàng cũng suy giảm theo. Không những không lo ngại, mà theo quan điểm của TS. Lực, thoái vốn còn là cơ hội thuận lợi cho các ngân hàng này tìm đối tác chiến lược mới, có tiềm lực tài chính tốt và đặc biệt là có thể hỗ trợ cho họ trên nhiều mặt hoạt động chứ không chỉ đơn thuần là nguồn vốn đầu tư.
Đồng quan điểm, vị lãnh đạo công ty kiểm toán trên cho rằng, các ngân hàng nên chủ động lộ trình “thay máu” khi các cổ đông chiến lược Nhà nước thoái vốn. “Nhìn vào thực tế thời gian qua, “thủ phạm” chính gây ra nợ xấu lớn của hệ thống ngân hàng là ai? Là các DNNN lớn, có thể kể đến như Vinalines, Vinashin, Tập đoàn Sông Đà.
Do đó, DNNN vừa có công, nhưng cũng có lỗi lớn trong các khoản nợ bị phân loại “xấu” mà hệ thống ngân hàng đang phải gánh chịu” - vị này phân tích. Chính sự hoạt động hiệu quả thấp của các tập đoàn Nhà nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tín dụng của ngân hàng, mà ngân hàng lại cũng dựa dẫm vào họ thì có nguy cơ “đổ” theo.
Một số ý kiến cho rằng, nếu các “ông lớn” trên bán được cổ phần, thu hồi được tiền trả nợ sẽ có tác động tích cực hơn cho ngân hàng. Vấn đề quan trọng ở đây là làm sao cuộc “thoát xác” của các DNNN trên diễn ra thuận buồm xuôi gió. Để hỗ trợ cho tiến trình này, các chuyên gia hiến kế: việc thoái vốn chỉ có thể khả thi khi chấp nhận bán cổ phần theo giá thị trường. “Giá bán được thiết lập do cung – cầu thị trường chứ không phải do ý chí của cơ quan quản lý vốn hoặc đại diện chủ sở hữu”, một chuyên gia ngân hàng lưu ý.
Yếu tố quan trọng nữa là Chính phủ cần có những chính sách “không hồi tố” đối với những khoản đầu tư không đúng quy định của pháp luật hoặc hiệu quả thấp ở các “ông lớn” này. Nếu không sẽ chẳng ai thực hiện thoái vốn một cách nghiêm chỉnh. Và như vậy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tiếp tục diễn ra một cách chậm chạp.
Thanh Huyền