Cổ phần hóa VRG
Trong quý I sẽ có 4 doanh nghiệp lớn lên sàn chứng khoán | |
Đề xuất 3 điều kiện để chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần | |
Thành công trong thoái vốn DNNN |
VRG là một tập đoàn có quy mô lớn với 123 đơn vị trực thuộc. Tập đoàn này cũng đang quản lý khoảng 400.000 ha đất trồng cây cao su, chiếm khoảng trên 30% tổng sản lượng cao su thiên nhiên của cả nước. Tổng doanh thu hợp nhất của DN này năm 2016 đạt gần 15.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt trên 3.200 tỷ đồng. Do vậy, việc cổ phần hóa VRG được xem là cơ hội lớn để các nhà đầu tư trong và ngoài nước chiếm lĩnh thị phần trong ngành cao su Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, trái ngược với những kỳ vọng, ghi nhận bên lề sự kiện IPO diễn ra ngày 2/2 cho thấy, cả các nhà đầu tư và giới phân tích đều khá dè dặt khi nhận định về triển vọng cổ phần hóa đối với VRG.
Theo thông tin từ phía HoSE, đến thời điểm trước khi đánh cồng khai mạc phiên đấu giá, (sáng ngày 2/2) cổ phiếu của VRG chỉ thu hút được 499 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần. Tổng khối lượng đăng ký mua chỉ đạt gần 101 triệu cổ phần trên tổng số 475,1 triệu cổ phần đưa ra đấu giá đợt 1.
Theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, vốn điều lệ của VRG sau cổ phần hóa được xác định là 40.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ cổ phần. Do VRG đang quản lý diện tích đất ở nhiều vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng nên nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ 75% vốn điều lệ và chỉ bán ra 25% vốn, tương đương 1 tỷ cổ phần.
Đợt IPO lần này VRG bán ra 475 triệu cổ phần, với mức giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phần, dự kiến thu về gần 6.200 tỷ đồng. Ngay sau khi IPO thành công VRG sẽ bán tiếp 50 triệu cổ phần cho người lao động (giá bán bằng 60% giá đấu thầu thành công thấp nhất trong đợt IPO). Số còn lại (cũng khoảng 475 triệu cổ phần) sẽ được VRG tiếp tục chào bán cho các nhà đầu tư chiến lược.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, khả năng chào bán thành công cho nhà đầu tư chiến lược của VRG sẽ rất thấp bởi những quy định quá khắt khe. Chẳng hạn, VRG đòi hỏi nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng các tiêu chí như: vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng (với các tổ chức tài chính), hoặc 1.000 tỷ đồng (với các DN) và cam kết không chuyển nhượng trong thời gian tối thiểu là 5 năm, đặc biệt không được chuyển nhượng số cổ phần này cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán FPT, để nắm giữ 475 triệu cổ phần VRG trong đợt IPO này, các nhà đầu tư sẽ phải chi ra khoảng 6.200 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn đối với các nhà đầu tư đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, đối với những nhà đầu tư là các tổ chức tài chính, VRG chưa đủ sức hấp dẫn, bởi đây là DN hoạt động trong lĩnh vực có nhiều rủi ro, cùng với quy mô lớn, mô hình tổ chức phức tạp và các tiêu cực trong những năm gần đây.
Trong khi đó, ở hướng tích cực hơn, Công ty chứng khoán Bản Việt (BVSC) cho rằng nếu kịch bản giá cao su bình quân tăng 5% trong năm 2018 và mức tăng giảm dần 1%/năm đến năm 2022, thì tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018 - 2022 của VRG sẽ ở mức khoảng 13% cho doanh thu và 19% cho lợi nhuận sau thuế. Như vậy, với giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phiếu, hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) và tỷ lệ giá cổ phiếu trên sổ sách (P/B) năm 2017 của VRG sẽ lần lượt ở mức 16,55 lần và 1,09 lần.
Trên cơ sở so sánh với các DN trong khu vực, BVSC cho rằng mức giá hợp lý từ bình quân của 2 phương pháp P/E và P/B là 17.473 đồng/cổ phiếu - cao hơn giá khởi điểm 34%. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, giá cao su ảnh hưởng đến hơn 70% lợi nhuận của VRG. Do vậy biến động giá cao su trong thời gian tới sẽ là rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư khi quyết định tham gia mua cổ phiếu trong đợt IPO này.