Cổ phiếu bật tăng nhờ CPTPP
Kỳ vọng gì khi CPTPP được ký kết | |
CPTPP thúc đẩy cải cách trong nước | |
63% DN Việt kỳ vọng ảnh hưởng tích cực của CPTPP |
Dù đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ không hiện diện, các quốc gia còn lại của TPP, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật, Australia, New Zealand, Singapore hay Việt Nam đều nóng lòng thúc đẩy hiệp định thương mại mới để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng thương mại và đầu tư, từ đó thêm tăng trưởng cho nền kinh tế. “Hiệp định này sẽ mang lại các quy tắc công bằng và tự do cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Oshimitsu Motegia, Bộ trưởng về các chính sách kinh tế và tài chính của Nhật nhận định.
Nhóm ngành da giày được hưởng lợi rất lớn nhờ hiệu ứng CPTPP |
Riêng đối với Việt Nam, sẽ có rất nhiều ngành chịu tác động tích cực lẫn tiêu cực, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp. Theo đánh giá của HSBC Việt Nam, với việc Mỹ không có mặt trong CPTPP, lợi ích của Việt Nam có thể ít đi so với TPP trước đó, ví dụ GDP chỉ tăng thêm 1,32% thay vì 6,7%, xuất khẩu tăng thêm 4% thay vì 15%.
Nhưng nhìn chung, các ngành như dệt may, da giày và thâm dụng lao động của Việt Nam vẫn được lợi. Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên, nhất là các thị trường Canada hay Mexico. Cùng với đó, trong bối cảnh một số nước đang thể hiện mong muốn tham gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines, Hiệp định CPTPP dự kiến sẽ nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ USD/năm.
Trên thị trường chứng khoán, giá một loạt các cổ phiếu đã tăng điểm khá mạnh ngay trong phiên 9/3 như họ cổ phiếu ngành thủy sản hướng đến xuất khẩu ABT, ANV, FMC, MPC, ngành cảng biển và logistics như DVP, SFI, hay nhóm ngành dệt may, da giày như TCM, GIL.
Tất nhiên, sẽ còn quá sớm để đánh giá đầy đủ các tác động của CPTPP đến triển vọng kinh doanh của các ngành nghề, nhưng có thể thấy rằng, đang có một động lực mới để Việt Nam tăng tốc phát triển. Các ngành sản xuất chịu tác động trực tiếp, một số ngành nghề khác dự kiến sẽ chịu tác động gián tiếp rất tích cực như bất động sản nhà ở, kho vận - logistics, bất động sản khu công nghiệp. Các ngành dịch vụ như tài chính ngân hàng, bảo hiểm hay du lịch, năng lượng, F&B cũng sẽ nhận được các cú hích tích cực.
Cũng theo khảo sát của HSBC, có khoảng hai phần ba (63%) các DN tại Việt Nam tin rằng CPTPP được ký sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ. Bên cạnh đó, trong số 1.150 DN có trụ sở tại các nước thành viên CPTPP tham gia khảo sát, gần một nửa (46%) kỳ vọng những lợi ích tích cực từ hiệp định.
Việt Nam cũng có cơ hội nhận dược dòng vốn đầu tư mới từ nhà đầu tư nước ngoài. Năm ngoái tổng giá trị mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam được ghi nhận ở mức kỷ lục 8,4 tỷ USD (theo Viện IMAA), phản ánh xu thế gia tăng đầu tư của các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam để khai khác cơ hội từ thị trường mới nổi này. Nhiều khả năng các hoạt động mua bán DN sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay.
Tất nhiên, CPTPP cũng mang lại mối đe dọa mới cho các ngành không có nhiều lợi thế cạnh tranh hay còn kém phát triển. Điển hình như một khi hiệp định này chính thức có hiệu lực, Việt Nam chắn chắn sẽ nằm trong tầm ngắm của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và một cuộc chiến khốc liệt mới cho hãng ô tô nội địa như Thaco, Vinfast, Thành Công sẽ sớm xuất hiện.
Do đó, cộng đồng DN và Chính phủ sẽ cần ngồi lại để vạch ra một kế hoạch phát triển tổng thể để đảm bảo thu được lợi ích nhất từ hiệp định mới. “Sắp tới chúng tôi sẽ trình kế hoạch hành động này lên Chính phủ để ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, chương trình hành động tổng thể và toàn diện này có sự tham gia của Chính phủ, cộng đồng DN, địa phương, hiệp hội ngành hàng và người dân”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói.