Công bố kết quả Kiểm toán: NHNN điều hành linh hoạt và hiệu quả CSTT
Sự hoàn chỉnh của những mảnh ghép | |
Đảng ủy Cơ quan NHTW: Chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ điều hành CSTT | |
Điều hành CSTT chủ động linh hoạt để kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM |
Báo cáo kiểm toán mới chỉ ra sai sót cũ
Kết quả kiểm toán ngân sách Nhà nước (NSNN) 2014 và kết quả kiểm toán 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) họp báo công bố sáng ngày 26/8/2016. Kết quả cho thấy nhiều sai sót đã từng được KTNN chỉ ra ở những lần kiểm toán các năm trước, đến nay vẫn lặp lại.
Và phát biểu kết thúc buổi họp báo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ông Bùi Đặng Dũng đã phải mượn đến câu nói của Chủ tịch Quốc hội rằng: “sợi dây kinh nghiệm rút hoài, kéo dài từ năm này qua năm khác không hết”.
Khẳng định công tác quản lý ngân sách, thu - chi ngân sách, chi tiêu công… nhìn kỹ có nhiều chuyển biến nhưng kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Kết quả kiểm toán cho thấy dự toán chi thường xuyên vẫn lặp lại các sai sót đã được KTNN phát hiện trong những năm vừa qua như: Lập dự toán cao hơn khả năng ngân sách; lập dự toán chưa đầy đủ căn cứ và không sát thực tế; giao dự toán chậm, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm…
NHNN đã điều hành khá linh hoạt và hiệu quả chính sách tiền tệ, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế vĩ mô |
Theo báo cáo quyết toán NSNN năm 2014 Chính phủ trình Quốc hội: Bội chi NSNN năm 2014 là 249.362 tỷ đồng, vượt 25.362 tỷ đồng so với mức Quốc hội quyết định, bằng 6,33% GDP thực tế. Nhưng theo kết luận kiểm toán “không phù hợp với định hướng giảm bội chi NSNN giai đoạn 2011-2015, hơn nữa, số bội chi này lớn hơn chi đầu tư phát triển 910 tỷ đồng, không đảm bảo nguyên tắc cân đối NSNN theo quy định”.
Đã vậy, trong tổng số quyết toán chi cân đối NSNN năm 2014 còn có 26.169 tỷ đồng vốn nước ngoài giải ngân vượt dự toán nhưng chưa có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Như vậy, 26.169 tỷ đồng này chưa đủ điều kiện quyết toán theo luật định nhưng Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định bổ sung số tiền này vào số bội chi trong quyết toán NSNN năm 2014.
Theo ông Cao Tấn Khổng - Phó tổng KTNN: Bức tranh NSNN đã tốt hơn, công tác quản lý, chi tiêu NSNN những năm qua đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng: chi tiêu ngân sách không phải chỉ là chuyện của Trung ương, chuyện của địa phương mà liên quan đến mỗi người dân. Vì vậy, tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua quy chế giám sát; theo đó, công tác giám sát sẽ được tăng cường chặt chẽ hơn cả về chất lượng, hình thức và cường độ giám sát.
Ngành Ngân hàng đạt nhiều kết quả khả quan
Đối với ngành Ngân hàng, kết quả kiểm toán năm 2015 tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 13 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và Chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã khẳng định: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước năm 2014 chứa đựng nhiều rủi ro và bất ổn, NHNN đã điều hành tương đối linh hoạt và hiệu quả chính sách tiền tệ (CSTT), góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Theo kết luận của KTNN: Nhìn chung lượng tiền cung ứng hợp lý, đảm bảo kiểm soát tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cơ bản bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán cả năm; thanh khoản thị trường được cải thiện; mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm từ 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013; cơ cấu tín dụng tiếp tục được dịch chuyển theo hướng tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD), nhất là tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, qua đó đã tháo gỡ khó khăn cho SXKD. Lãi suất huy động giảm 1,5-2%/năm; lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm.
Trong bối cảnh chung, hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, có một số tồn tại và sai phạm ở một vài NHTM, song nhìn chung các NHTM và công ty bảo hiểm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động - ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) nhìn nhận. Ông cho biết 10/11 tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán kinh doanh có lãi. Hầu hết các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tỷ lệ khả năng chi trả; rủi ro về vàng cơ bản được loại bỏ…
KTNN cũng đã chỉ ra việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 đạt được kết quả ban đầu. Số lượng các NHTM cổ phần đã giảm dần thông qua sáp nhập, hợp nhất và mua lại một số NHTM cổ phần yếu kém; hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, các NHTM nói riêng đã được lành mạnh hoá cơ bản với việc tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường tính thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng và nâng cao khả năng cạnh tranh, ông Phan Thanh Sơn Kiểm toán trưởng Kiểm toán khu vực VII của KTNN, cho biết.
Những khó khăn vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu cũng được KTNN nêu ra, cho thấy cần phải có những thay đổi mạnh mẽ từ chủ trương, chính sách cũng như những quyết sách ở Quốc hội và Chính phủ. Gần đây nhiều chuyên gia kinh tế đã đề xuất phải có tiền thật để xử lý nợ xấu. Trong dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến cũng đã gợi mở hướng sử dụng tiền ngân sách cho việc xử lý nợ xấu.
Ông Dương Quốc Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu: theo kinh nghiệm của các nước, khi có nợ xấu, trước hết các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm xử lý nợ xấu của mình. Khi họ xử lý không nổi thì bán lại cho cơ quan quản lý nợ xấu trung ương, cơ quan này thường trực thuộc bộ tài chính hay ngân hàng trung ương, và bán theo giá thị trường. Cơ quan này sẽ tổng hợp nợ xấu và đánh giá trên tài sản đảm bảo và phát hành trái phiếu có nguồn từ NSNN.
PGS.TS. Đặng Ngọc Đức – Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) nhấn mạnh rằng, việc xử lý nợ xấu bằng trái phiếu chính phủ đã được các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế nêu lên từ năm 2012. “Đến bây giờ phải dùng cách này mới xử lý nợ xấu được thực chất”, ông Đức nhắc đi nhắc lại.