Sự hoàn chỉnh của những mảnh ghép
Điều hành CSTT chủ động linh hoạt để kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM | |
Cần tận dụng nguồn lực tốt hơn | |
Chủ động điều hành CSTT góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng |
Ông Vũ Đình Ánh |
Chuyên gia NH TS. Vũ Đình Ánh nhận định, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) là một trong những điểm sáng trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế những tháng qua.
Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng ông Vũ Đình Ánh cho rằng, đến thời điểm này, mục tiêu trong điều hành CSTT vẫn là gánh vác vai trò chính trong việc cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế thông qua tín dụng.
Trong 8 tháng qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng (TTTD) khá đều đặn qua các tháng, không có tháng quá đột biến, hoặc tăng quá thấp. Tín dụng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu vào những lĩnh vực ưu tiên. Tốc độ TTTD đều đặn với mức khá cao, đạt 8,78% (tính đến ngày 19/8) chứng tỏ lãi suất cho vay đã phù hợp. Có ý kiến cho rằng lãi suất cho vay vẫn quá cao, nhưng tôi cho rằng, cứ nhìn con số thực tế chứng minh là khách quan nhất. Nếu lãi suất quá cao thì DN không thể vay để đạt mức TTTD như vậy.
Về lãi suất, song song với việc duy trì chính sách áp trần lãi suất huy động với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, trần lãi suất USD, NHNN vẫn để các NH tự quyết định lãi suất huy động trung, dài hạn. Qua đó tạo điều kiện các NH cơ cấu lại tiền gửi theo hướng tích cực tăng huy động trung, dài hạn để đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế. Việc mạnh dạn ép trần lãi suất huy động đối với ngoại tệ từ cuối năm ngoái có hiệu ứng tích cực chuyển dịch cơ cấu tiền gửi từ ngoại tệ sang nội tệ trong 8 tháng đầu năm nay.
Một trong những công cụ điều hành thành công nhất của NHNN đó là công cụ thị trường mở - OMO. NHNN chủ động bơm hút tiền qua OMO, đảm bảo tốt thanh khoản hệ thống. Biểu hiện rõ nhất là trên thị trường liên NH, hoạt động đều đặn với quy mô không lớn. Đặc biệt lãi suất trên thị trường này có xu hướng đi xuống. Có thể nói, việc đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản của NHNN, cùng với bản thân các NH tích cực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã tạo ra một hệ thống NH ổn định hơn, tiếp tục cấp vốn nền kinh tế đều đặn.
Về tỷ giá hối đoái, từ đầu năm 2016 NHNN bắt đầu áp dụng điều hành tỷ giá trung tâm, tỷ giá không bị neo cứng mà biến động hàng ngày theo cả chiều lên xuống, đồng thời gắn một rổ 8 đồng tiền của các nước đối tác thương mại lớn. Việc áp dụng trần lãi suất ngoại tệ đã tác động tích cực tới việc giảm thiểu găm giữ USD, giúp tỷ giá hối đoái Việt Nam ổn định trước biến động rất mạnh từ thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là sau sự kiện Brexit. Thị trường ổn định đã giúp NHNN mua được ngoại tệ từ các NHTM để tăng dự trữ ngoại hối.
Tóm lại, từ đầu năm đến nay tự bản thân CSTT đã tạo ra mối liên kết bên trong, tác động qua lại với nhau. Nhìn từ chính sách này thấy tác động tới chính sách khác. Có thể nói, các bộ phận của CSTT tạo thành một thể thống nhất. Như các miếng lego được ghép hoàn chỉnh.
Nhưng đang có lo ngại về khả năng tăng cung tiền của NH mạnh hơn vào những tháng cuối năm sẽ tạo áp lực lên lạm phát. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Cần phải phân tích rõ là tăng cung tiền thời gian vừa qua chủ yếu NHNN mua ngoại tệ, bơm tiền đồng ra. Tức là thay đổi kết cấu trong tổng phương tiện thanh toán chứ không phải là do tăng tổng lượng tiền bơm một cách thuần vào nền kinh tế.
Còn đối với vấn đề lạm phát, tôi cho rằng vẫn khá ổn, không có gì đột biến trong những tháng qua. Nếu lấy lạm phát năm nay mà so với năm ngoái thì tôi thấy chưa phản ánh đúng bản chất vấn đề. Vì năm ngoái lạm phát quá thấp chứ không phải năm nay quá cao. Đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Đứng từ góc độ tiền tệ, tôi cho rằng, NHNN hoàn toàn chủ động trong điều hành CSTT theo những mục tiêu định hướng từ giờ đến cuối năm. Nếu có lo ngại về việc tăng năm nay thì nó chỉ liên quan đến điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục. Mà thời điểm tăng hai loại giá dịch vụ này lại do các địa phương quyết định. Do đó, giả sử, có tỉnh tăng tháng 9, nhưng có tỉnh lại tăng vào tháng 10 – 11 với mức phí khác nhau. Mà các địa phương lại tổng hợp báo cáo lên sẽ tạo biến động giá của cả nước.
Vậy, theo ông từ nay đến cuối năm, NHNN điều hành CSTT ra sao để đạt mục tiêu vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng GDP?
Tôi cho rằng, NHNN vẫn tiếp tục điều hành CSTT với các giải pháp như 8 tháng qua. Để kiểm soát lạm phát, theo tôi chính sách điều chỉnh giá sẽ phải đi theo CSTT chứ không phải ngược lại.
Đơn cử, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất có thể, với bối cảnh nguồn lực như hiện nay, ngân sách Nhà nước khó khăn như vậy thì rõ ràng khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là DNNVV trông cậy hoàn toàn nguồn lực từ vốn NH.
Tôi chỉ có lưu ý một điều là điều hành CSTT phải phối hợp với bên chính sách quản lý giá xem các mức độ điều chỉnh giá nên như thế nào để giữ lạm phát cả năm trong vòng kiểm soát khoảng 5%.
Xin cảm ơn ông!