Cuộc chiến giá dầu thấp
Trong khi người tiêu dùng và các nước nhập khẩu dầu được hưởng lợi từ việc dầu giá thấp thì các nước sản xuất và xuất khẩu dầu lại trong tình trạng căng thẳng. Có thể nói đây là một cuộc chiến mới về dầu mỏ và hậu quả của nó cũng sẽ tồi tệ không kém bất kỳ một cuộc chiến nào khác.
"Vũ khí" đặc biệt
Mỗi người, mỗi quốc gia đều tiến hành chiến tranh theo cách riêng của mình: Mỹ và phương Tây với máy bay chiến đấu, còn đối với các quốc gia sản xuất dầu thì vũ khí của họ chính là "vàng đen". Sự sụt giảm giá dầu là một trong những khía cạnh của cuộc đấu bắt đầu từ năm 2014, khi Saudi Arabia quyết định đẩy mạnh sản xuất dầu để một mặt chống lại sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất Mỹ, Canada, Nga, mặt khác để gây khó khăn cho nền kinh tế Iran.
Từ lâu, Riyadh đã nhận ra rằng Tehran sẽ thực hiện các bước đi để có được một thỏa thuận hạt nhân nhằm được dỡ bỏ cấm vận. Vì thế việc sụt giảm giá dầu thô được coi là một sự trừng phạt tồi tệ nhất có thể áp dụng đối với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường năng lượng. Giá dầu thấp sẽ gây hại đối với cả nền kinh tế Nga, nước sản xuất và xuất khẩu dầu khí hàng đầu thế giới.
Hàng năm, Saudi Arabia mua khoảng 80 tỷ USD vũ khí, chủ yếu từ Mỹ, và đang tìm cách để sử dụng vũ lực nhằm gây ảnh hưởng trong khu vực. Trong lúc đó, một mình Saudi Arabia khó lòng có thể chi phối được thị trường dầu mỏ trên thế giới và trên hết, thị trường này còn chịu sự chi phối của Mỹ - nước phải cân nhắc để cuộc chiến giá dầu không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Vấn đề là cuộc đấu giá dầu thấp sẽ kéo dài bao lâu? Để ngăn chặn tình trạng giá dầu thấp, Saudi Arabia không chỉ dựa vào nguồn dự trữ ngoại hối trị giá 650 tỷ USD mà còn dựa vào chi phí sản xuất thấp. Và cuộc chiến này sẽ gây nhiều hậu quả nặng nề, làm xáo động thị trường tài chính thế giới. Giá dầu thấp khiến tình hình kinh tế ở Trung Đông đang ngày một xấu đi, tình hình chính trị và tình trạng bất ổn cũng gia tăng tại khu vực này.
Trong cuộc đối đầu này, các quốc gia tiêu thụ được hưởng lợi nhưng sự sụp đổ của giá dầu nói riêng và giá nguyên liệu đầu vào nói chung cũng kéo các thị trường đi xuống một cách nghiêm trọng. Các quốc gia sản xuất dầu mỏ đã phải sử dụng lượng lớn dự trữ ngoại tệ và đương nhiên đầu tư ít hơn.
Không chỉ vậy, đang có dấu hiệu xuất hiện “bong bóng dầu” do sự liên kết giữa các công ty sản xuất dầu đá phiến với các ngân hàng thông qua các hợp đồng tài trợ tài chính. Một khi bong bóng vỡ thì hậu quả sẽ khôn lường. Qua lịch sử, người ta đã thấy rõ dầu thô là yếu tố rất dễ gây tổn thương cho nền kinh tế, các thị trường và tình hình an ninh, chính trị trên thế giới.
Chính dầu mỏ là nguồn gốc cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến cuộc chiến tranh tại Trung Đông năm 1967, giá dầu đã tăng gấp bốn lần chỉ trong bốn tháng lên trên 12 USD/ thùng. Cú sốc thứ hai hồi những năm 1980 cũng đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị khiến giá dầu lên tới 42 USD/thùng. Từ năm 1979 đến năm 1980 đã xảy ra bốn sự kiện rung chuyển Trung Đông và thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ những năm 2008-2009 cũng đã khiến giá dầu leo lên mức 150 USD/thùng.
"Mất" hay "Được" từ giá dầu rẻ?
Thế giới đang ngập chìm trong dầu mỏ. Saudi Arabia đang sản xuất ở mức gần như hết công suất và dư luận cho rằng nguyên nhân của động thái này là do Riyadh muốn hất cẳng các nhà sản xuất với chi phí cao hơn ra khỏi ngành công nghiệp này, kể cả một số công ty khai thác dầu khí đá phiến bằng công nghệ thủy lực của Mỹ.
Saudi Arabia cũng sẽ sẵn sàng chịu nhiều tổn hại hơn để cản trở Iran, nước vừa cho biết sẵn sàng gia nhập lại thị trường dầu mỏ sau khi các biện pháp trừng phạt Tehran được dỡ bỏ. Bất chấp những nỗ lực của Saudi Arabia, nhiều công ty khai thác dầu khí đá phiến bằng công nghệ thủy lực vẫn gia tăng năng suất. Giá trị nhập khẩu dầu mỏ của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã giảm tương đương 2% GDP kể từ giữa năm 2014, trong khi Ấn Độ cũng trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ giá dầu giảm.
Khủng hoảng giá dầu gần như cũng là món quà "trời cho" đối với nền kinh tế Mỹ, bởi giá dầu rẻ hơn có lợi cho người tiêu dùng và giới doanh nghiệp của nước này. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng nếu tình trạng giá dầu rẻ kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ mới lớn hơn về địa chính trị mà Washington sẽ không mong muốn chứng kiến.
Trong quá khứ, dầu mỏ giá rẻ đã kích thích nền kinh tế thế giới bởi nó thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, giờ đây nhận định đó không còn rõ ràng nữa. Người tiêu dùng Mỹ đã tiết kiệm nhiều hơn và các nhà sản xuất dầu mỏ cũng đang “thắt lưng buộc bụng”, sau khi chi tiêu phung phí khi giá dầu cao. Nga đã tuyên bố cắt giảm 10% chi tiêu công. Ngay cả Saudi Arabia cũng đang cắt giảm ngân sách để đối phó với thâm hụt 15% GDP của nước này.
Giá dầu thấp khiến tình hình kinh tế tại các nước sản xuất và xuất khẩu dầu (Nga, Venezuela, Algeria…) bị ảnh hưởng mạnh, thậm chí rơi vào tình trạng khủng hoảng. Sự bất ổn về giá dầu này có thể dẫn đến những bất ổn kinh tế, chính trị và địa chính trị, nhất là tại khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải.
Sự sụt giảm giá dầu cũng tác động mạnh đến các ngành sản xuất liên quan đến hóa dầu, không chỉ tại các nước sản xuất xuất khẩu dầu mà ngay cả tại các nước tiêu thụ dầu. Việc vốn đầu tư trong lĩnh vực khai thác dầu và hóa dầu giảm xuống sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực trong trung và dài hạn.
Ngoài ra, việc giá dầu xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng có tác động tiêu cực tới quá trình chuyển từ năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo, như năng lượng Mặt trời hay năng lượng gió… Giá dầu thấp có thể thúc đẩy tình trạng giảm phát từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng, một nỗi lo của hầu hết các nước châu Âu, nhất là Pháp.