Cuộc đua thanh toán ngày càng gay cấn
Thanh toán dịch vụ công phải tạo kho dữ liệu | |
Thúc đẩy Thanh toán không dùng tiền mặt và Chiến lược CNTT ngành Ngân hàng |
44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động |
Hoạt động thanh toán phát triển mạnh
Theo báo cáo NHNN gửi tới Quốc hội, trong 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị khoảng 10.951 nghìn tỷ đồng tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt hơn 2.093 nghìn tỷ đồng tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Để đạt được những kết quả như trên, NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân theo chủ trương của Chính phủ như triển khai hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 31/12/2016) và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công như thu thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018).
Đến nay hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối tại 63 KBNN cấp tỉnh; khoảng 50 NHTM hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Thuế, Hải quan trên 63 tỉnh/thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%...
Đặc biệt, NHNN đã Ban hành Bộ Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) thẻ chip nội địa, Bộ đặc tả kỹ thuật QR-code nhằm đảm bảo an toàn, tiện ích với chi phí hợp lý - được đánh giá là những khung chính sách cốt lõi thúc đẩy các ngân hàng, công ty Fintech mạnh dạn hơn trong triển khai các sản phẩm dịch vụ thanh toán phi tiếp xúc...
Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng thông tin thêm, đến hết quý II/2019, 78 tổ chức đã triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động. Thanh toán di động đang trở thành xu hướng mới với việc các ngân hàng ứng dụng các công nghệ mới như QR Code, Giao tiếp trường gần (NFC), số hóa thông tin thẻ (Tokenizatinon), xác thực sinh trắc học…
Theo dự báo, mức độ thâm nhập của Internet và di động sẽ còn tiếp tục mở rộng. Và Việt Nam có thể đạt khoảng 60 triệu người sử dụng Internet và 55,4 triệu người dùng điện thoại di động vào năm 2022. Như vậy, tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch ngân hàng số tại Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Số liệu thống kê của WB cho thấy số lượng giao dịch không dùng tiền mặt ở Việt Nam hiện chỉ là 4,9 giao dịch/người, thấp hơn rất nhiều so với con số 59,7 giao dịch/người ở Thái Lan, 89 giao dịch/người ở Malaysia...
Mảnh đất màu mỡ
Hiện có nhiều kênh thanh toán hứa hẹn sẽ khuấy động thị trường thanh toán tại Việt Nam trong thời gian tới như ví điện tử, QR Code, gần đây kênh thanh toán Mobile Money cũng được cân nhắc xem xét. Tính đến hết tháng 6/2019, cả nước có 134,5 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó có 51,1 triệu thuê bao di động băng rộng nên nếu đưa vào sử dụng Mobile Money sẽ là đối thủ đáng gờm của các ví điện tử cũng như với dịch vụ thanh toán di động khác của các ngân hàng.
Vậy các ngân hàng có lo ngại sự cạnh tranh của các loại hình thanh toán mới? Trả lời phóng viên, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng chia sẻ quan điểm, ngân hàng ủng hộ sự phát triển của mô hình Mobile Money. Bởi đây là hệ thống thanh toán nhỏ lẻ, không cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng. Thậm chí, lãnh đạo ngân hàng này còn kỳ vọng Mobile Money trở thành cánh tay nối dài của ngân hàng để tiếp cận khách hàng nhanh hơn.
Thực tế, dù Ví Việt của LienVietPostBank đang phát triển rất tốt, nhưng lại gặp khó khăn là người ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn không thể nạp tiền vào ví để chi tiêu. Do vậy, nếu cho phép mô hình này vận hành và Mobile Money được nạp tiền vào ví điện tử hoặc có hệ thống đại lý nạp tiền vào ví thì rất tốt.
Ông Nguyễn Tuấn Lương - Phó Tổng giám đốc VNPay cũng có quan điểm tương đồng khi cho rằng, thay vì đối đầu, các công ty Fintech và ngân hàng nên bắt tay hợp tác. Công ty Fintech sẽ là cánh tay nối dài của ngân hàng, thông qua ứng dụng ngân hàng số của ngân hàng cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng.
“Hiện chúng tôi đang phát triển hệ sinh thái kết nối ngân hàng qua Mobile Banking, QR Code… giúp người dân tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt dễ dàng nhanh chóng như thanh toán viện phí, y tế, điện nước, viễn thông… Xu hướng hợp tác này đang phát triển rất tốt”, ông Lương chia sẻ thêm.
Dù là Mobile Money hay các Fintech theo giới chuyên môn nhận định cả hai loại hình trên đều nhắm vào thị trường ngách cũng là phân khúc mà các ngân hàng chưa đủ sức phủ sóng. Do đó, các loại hình thanh toán trên mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh với các ngân hàng. Điều quan trọng là tất cả các dịch vụ thanh toán hiện tại đều hướng tới mục tiêu tạo lập thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy nhanh tài chính toàn diện. Vấn đề là hiện do các quy định pháp lý còn thiếu hụt nên các ngân hàng vẫn còn e ngại áp dụng công nghệ, dịch vụ mới ngoài nguôn khổ cho phép.
“Tôi rất mong NHNN có cơ chế để các đại lý làm cánh tay nối dài cho các ngân hàng, từ đó đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Thắng đặt kỳ vọng và mạnh dạn đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành văn bản pháp lý và cho phép cơ chế thử nghiệm (sandbox) về các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt mới, ngân hàng số, eKYC; cho phép hệ thống đại lý ủy thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ hỗ trợ nạp tiền/rút tiền mặt vào/từ ví điện tử, tài khoản. Trong tương lai xem xét cho phép thanh toán QR Code qua ứng dụng ví điện tử/thẻ phi vật lý giữa Việt Nam và nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề này, NHNN Việt Nam cho biết đang phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thí điểm các tổ chức trung gian thanh toán và ngân hàng Việt Nam hợp tác thanh toán với tổ chức trung gian thanh toán, ngân hàng nước ngoài hay mô hình dịch vụ tương tự mô hình NHTM giao đại lý cung ứng các dịch vụ thanh toán.
NHNN cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money), Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm (regulatory sandbox) cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng...
Giới chuyên môn nhận định, nếu cơ chế sớm được cởi trói, cùng với sự tham gia tích cực của các ngân hàng lẫn fintech, các công ty trung gian thanh toán, thời gian tới cuộc chạy đua cạnh tranh thanh toán sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cho nền kinh tế.