Thanh toán dịch vụ công phải tạo kho dữ liệu
Thanh toán dịch vụ công trực tuyến: Xu hướng phát triển tất yếu | |
Thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Cần nhiều giải pháp đồng bộ |
Nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang áp dụng vào dịch vụ công ở TP.HCM |
Không thể lại xếp hàng chờ quẹt thẻ
Nghị quyết 02 của Chính phủ có yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành phố phải hỗ trợ cho các TCTD tham gia xây dựng hạ tầng kết nối, phấn đấu đến cuối tháng 12/2019 phải đạt tỷ lệ 100% thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt.
Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, 5 năm trước cơ quan này đã phối với NHNN thành phố và Công ty Ngôi nhà xanh xây dựng đề án thẻ học đường có tên SSC, tích hợp mã học sinh. Đến nay 100% trường trung học phổ thông (cấp 3) và các đơn vị trực thuộc sở đã thanh toán học phí và các quản lý tài chính không tiền mặt.
Cụ thể, hiện mỗi học sinh có một mã số người dùng tải ứng dụng (app) vào máy điện thoại di động nhập mã học sinh lập tức thanh toán tiền học phí, thông qua liên kết tài khoản với Sacombank, hoặc chuyển tiền từ tài khoản của hơn 20 ngân hàng vào ví điện tử MoMo để thanh toán học phí qua thẻ học đường SSC. Theo Công ty Ngôi nhà xanh - đơn vị chủ sở hữu thẻ học đường SSC, thẻ sẽ từng bước được tích hợp thêm các tính năng thanh toán phí đi xe buýt, thư viện điện tử, quản lý học sinh ra vào lớp, ngày thi, nộp bài tập…
Không chỉ có thẻ học đường, nhiều lĩnh vực khác cũng đang đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Chẳng hạn như giao thông, hiện nay các bác tài chỉ cần tải app giao thông là có thể chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang là để chi trả phí đậu xe ô tô ngoài đường, phí container ra vào cảng… nhờ công nghệ của Napas.
Hay như lĩnh vực y tế, hiện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng đã xây dựng một hệ thống cổng thông tin để cho các NHTM và công ty trung gian thanh toán kết nối để người nhà bệnh nhân đóng tiền viện phí qua thẻ, ví điện tử, thậm chí nộp tiền tại các cửa hàng tiện lợi.
Ngoài ra, các công ty cung cấp điện, nước sạch cho người dân TP.HCM nhiều năm qua đã xây dựng mã hóa dữ liệu khách hàng trên từng hộ dân để mỗi khi đến kỳ thanh toán hóa đơn điện, nước lại nhắc người dùng trên các ứng dụng cài đặt trong máy điện thoại mà không lo đi đóng tiền điện, tiền nước.
Theo một đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM, mã hóa dữ liệu khách hàng là nền tảng để các ngân hàng, ví điện tử và các cửa hàng tiện lợi thu hộ tiền điện, nước, mã số học sinh, mã số người bệnh… Đồng thời phân tán được khách hàng thanh toán dịch vụ công ở mọi lúc, mọi nơi. Nếu không đơn giản chỉ là dùng thẻ cà máy POS sẽ lại dẫn đến xếp hàng cà thẻ ở trường học, bệnh viện, công ty điện, nước… thì cũng chẳng tiện lợi là bao so với thanh toán bằng tiền mặt.
Dịch vụ công thách thức ở quận huyện
Theo quy định hiện hành, Sở GD-ĐT hiện quản lý các trường trung học phổ thông, nhưng các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non do chính quyền quận huyện quản lý. Ông Dương Trí Dũng - Trưởng phòng Kế hoạch Đào tạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hoạt động giáo dục một lĩnh vực hành chính sự nghiệp có thu nên áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt vào trường học không chỉ có lợi cho phụ huynh học sinh mà còn minh bạch hoạt động quản lý tài chính của nhà trường.
Ông Ngô Doãn Chính - Tổng giám đốc Công ty Ngôi nhà xanh cho biết, để phụ huynh học sinh sẵn sàng thanh toán học phí không dùng tiền mặt, trước hết người làm thanh toán phải “đả thông được tư tưởng của hiệu trưởng”; từ đó, hiệu trưởng mới triển khai trong trường và nói với giáo viên thông báo cho học sinh. Bởi phụ huynh học sinh thường đặt nhiều niềm tin vào nhà trường hơn là các nhà cung ứng dịch vụ thanh toán.
Đặc biệt các trường không cần phải đầu tư gì về hạ tầng thanh toán theo hướng mã hóa học sinh trong thẻ học đường SSC của Ngôi nhà xanh ở TP.HCM; mà nhà trường chỉ cần nói với phụ huynh học sinh sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí với trường là có thể thực hiện rất nhanh chóng.
Theo các chuyên gia thanh toán cho biết, khi đã xây dựng được mã hóa người dùng thì hoạt động thanh toán không còn bất cứ rào cản nào. Theo đó, người có tài khoản ngân hàng có thể chuyển tiền bằng điện thoại, máy tính, ví điện tử; còn người không có tài khoản chỉ cần vào các cửa hàng tiện lợi, đọc mã số khách hàng là có thể nộp tiền điện, nước, học phí, viện phí...
“Khi cả xã hội thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tạo ra một luồng tiền mặt tập trung trong hệ thống các TCTD, lợi ích lan tỏa từ chi phí xã hội thấp đi, chi phí phát hành tiền mặt mệnh giá nhỏ giảm, và sẽ tạo ra cơ hội giảm lãi suất cho vay cho nền kinh tế”, một chuyên gia cho biết.
Ông Trần Đình Cường - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, đến nay đã có phần mềm chuẩn cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục, nên thời gian qua áp dụng ở các trường không thu phí. Tuy nhiên đối với tuyến quận, huyện khó khăn hơn về hạ tầng, nên thời gian tới NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng phối hợp với các công ty trung gian thanh toán kết nối để người dân tạo ra một diện rộng thanh toán dịch vụ công trong toàn thành phố.
Ông Thái Hoài Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện phục vụ 6.000-8000 bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Bởi vậy nếu không có hệ thống thanh toán phi tiền mặt sẽ rất áp lực cho bệnh viện và người bệnh. Đến nay tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện của chúng tôi đã đạt 35% tổng số lượng thanh toán viện phí và các chi phí của bệnh viện, phấn đấu hết năm 2019 tỷ lệ này sẽ lên khoảng 40%. |