Đào tạo tại chỗ - giải pháp tối ưu
Nông sản Hà Lan đã trở thành một trong những ngành chủ lực dẫn dắt nền kinh tế, đóng góp 10% GDP của quốc gia này. Cơ sở nào khiến đất nước Hà Lan với diện tích chỉ bằng 1/8 Việt Nam (trong đó có tới 27% diện tích nằm dưới mực nước biển, chưa kể nguy cơ lũ lụt luôn hiện hữu) lại trở thành nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp chỉ đứng sau Mỹ?
So với Hà Lan, Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều về điều kiện tự nhiên. Nông nghiệp Hà Lan chính là sự kết hợp của khoa học công nghệ (KH-CN), bảo quản tiên tiến và trách nhiệm của người làm ra sản phẩm.
Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ, Việt Nam vẫn thiếu nguồn nhân lực có trình độ ở các ngành nghề và khu vực cơ bản đóng vai trò chủ chốt nhằm đạt được tăng trưởng nhanh và một lực lượng lao động toàn diện hơn.
Đại diện Hiệp hội DN Bắc Âu cũng cho rằng, rất nhiều DN của họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những lao động có tay nghề và cả kỹ sư tại Việt Nam. Nhiều khuyến nghị đã được đưa ra là cần xây dựng nguồn nhân lực ngay trong nước sở tại. Đây còn là tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ phần mềm kỷ niệm 5 năm phát triển và đổi mới |
Khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương chính thức đi vào hoạt động, nhiều đoàn DN nước ngoài đã tới Việt Nam xây dựng cơ sở vật chất, tìm kiếm nguồn nhân lực đặt nền móng và phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam. Minh chứng cụ thể nhất là vào năm tới, tại Việt Nam sẽ hình thành hai trung tâm công nghệ cho ngành dệt may và da giày với sự hỗ trợ từ Chính phủ Italia.
Đặc biệt hơn hai trung tâm này được thành lập tại hai trường đại học của Việt Nam, trong đó có Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Với việc thành lập hai trung tâm này, Italia sẽ đưa sang Việt Nam các công nghệ tiên tiến, các chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực dệt may, da giày. Sau khi được đào tạo, những sinh viên của trung tâm sẽ trở thành nguồn nhân lực chính.
Bà Bruna Santarelli, Giám đốc Thương vụ Italia tại Việt Nam chia sẻ, các dự án này trên thực tế đã hình thành từ nhiều năm trước và Thương vụ Italia tại Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác này.
Cùng mục đích chuyển giao KH-CN, sử dụng nhân lực của Việt Nam, các DN Pháp thông qua Cơ quan Thương mại và Đầu tư Pháp (Business France Việt Nam, thuộc Đại sứ quán Pháp) đã giới thiệu những công nghệ mới nhất của ngành nguyên liệu và máy móc thiết bị được sử dụng trong quá trình sản xuất bánh mì, bánh ngọt.
Khi tìm được DN đối tác, họ sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ thông qua đào tạo nhân lực tại chỗ. Bởi theo khảo sát của cơ quan này, Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường bánh mì, bánh ngọt năng động nhất châu Á. Năm 2015, thị trường Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng 6% về sản lượng và tăng 14% về doanh thu.
Trên thực tế, chiến lược xây dựng nguồn nhân lực ngay tại nước sở tại thông qua hình thức hợp tác với các trường đại học, các DN là không mới nhưng khi hệ thống nghiên cứu là sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các nhà nghiên cứu và ngành giáo dục sẽ tạo ra kết quả vượt trội. Việc đào tạo này sẽ giải quyết được việc làm cho lao động tại chỗ và tiết kiệm được chi phí đào tạo. Vừa học, vừa làm dưới sự giám sát của quản lý là hình thức đào tạo phổ biến nhất hiện nay.
Còn tại Việt Nam, các cuộc làm việc của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với các phòng thương mại và công nghiệp và cộng đồng DN các nước Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đang nhắm tới một chương trình phối hợp hành động để chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dạy nghề.
VCCI từng đề nghị Chính phủ có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác công - tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống các trường và trung tâm đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế với bằng cấp được công nhận trên thế giới. Đây là yêu cầu quan trọng nhất của hội nhập sau khi hội nhập về thể chế, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI trăn trở.