Dấu ấn làng nghề
Gắn kết với du lịch
Tại Hội thảo khoa học “Dấu ấn Huế, bản sắc Việt trong các sản phẩm thủ công truyền thống” vừa tổ chức tại thành phố Huế, nhiều đại biểu đồng tình quan điểm, để du lịch phát triển, thì ngoài chất lượng dịch vụ, còn cần có nhiều sản phẩm thủ công truyền thống để hấp dẫn du khách.
Bởi nghề truyền thống là kết tinh của giá trị lịch sử, văn hóa bản địa, đồng thời tạo ra những sản phẩm độc đáo phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu và mua sắm của khách thập phương. Bên cạnh lợi ích về kinh tế - xã hội, hướng đi này còn góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, tạo cơ hội trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề.
Festival làng nghề Huế luôn thu hút khách du lịch |
Điển hình như làng nghề làm hương Dương Xuân Thượng. Nằm ở cửa ngõ di tích lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh, địa điểm này từ 10 năm nay đã trở thành điểm đến thu hút ngày càng đông khách tham quan, nhất là khách quốc tế. Từ đó, “thương hiệu” làng hương Dương Xuân Thượng được nhiều khách du lịch ưa thích và ghi nhớ.
Hiện từ đầu đường Huyền Trân Công Chúa đến khu vực di tích lăng Tự Đức dài 700m có khoảng 60 hộ gia đình truyền thống làm nghề lăn hương, đã tận dụng thế mạnh nhà mặt tiền, mở tiệm bán và dạy du khách làm hương truyền thống. Tại cửa hàng số 33 đường Huyền Trân Công Chúa, sau công đoạn pha trộn bột quế, bột cưa ray mịn với chất dẻo từ cây bời lời làm nguyên liệu, chị Lê Thị Quých, chủ cửa hàng đang hướng dẫn đoàn khách Anh các thao tác làm từng cây hương quế.
Gần một giờ đồng hồ được chị “cầm tay chỉ việc”, hơn 10 vị khách du lịch tỏ ra rất thích thú với sản phẩm thủ công do chính tay họ làm ra. Anh Trần Hùng, hướng dẫn viên du lịch tại Huế chia sẻ, cùng với làng hương Dương Xuân Thượng, thời gian qua tại Huế có nhiều làng nghề truyền thống ăn nên làm ra nhờ biết tạo ra những sản phẩm phục vụ khách du lịch như nón Thúy (Phủ Cam), hoa giấy (Thanh Tiên), đan lát (Bao La)…
Cách làm này không chỉ giúp du khách có cơ hội tìm hiểu tầng sâu văn hóa bản địa, mà họ còn có niềm vui đặc biệt là được trực tiếp thực hiện các thao tác tạo ra các sản phẩm thủ công truyền thống ở những ngôi làng cổ cách xa đất nước mình cả hàng ngàn cây số, rồi mang về quê làm quà cho người thân và bạn bè.
Và như vậy, có thể coi du lịch làng nghề là một thế mạnh đầy tiềm năng của cố đô Huế với hàm lượng văn hóa cao, cùng sức hút đặc thù từ các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận.
Điểm sáng du lịch Việt Nam
Sau khi chiêm ngưỡng di tích quốc gia cầu ngói Thanh Toàn theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu), du khách đến với xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế còn có cơ hội trải nghiệm công việc đồng áng, sinh hoạt đời thường do chính những người nông dân nơi đây sưu tầm và trình diễn tại nhà trưng bày nông cụ nằm sát chân cầu ngói.
Đặc biệt, nhiều nông dân còn sáng tác cả thơ ca, hò vè nói về nghề nông, khắc họa cảnh đẹp của làng quê Việt Nam, khiến du khách ngỡ ngàng. Cụ Lê Thị Ngảnh năm nay đã 85 tuổi, từng là nhân viên quản lý nhà trưng bày nông cụ Thủy Thanh nhớ lại, trước kia, nơi đây chỉ “xôn xao” trong những ngày diễn ra Festival Huế, rồi sau đó đóng cửa im ỉm chẳng khác nào nhà kho chứa.
Rồi cụ thấy rằng, có những nông cụ như nhủi, lừ (để bắt cá)… ngay cả hướng dẫn viên chuyên nghiệp thì không phải ai cũng biết đó là cái gì và nếu có thì lại không làm cách nào giải thích cho khách hiểu về công năng của nó trong thực tế. Vậy là bất đắc dĩ, cụ thay việc của hướng dẫn viên, giải thích cho khách hiểu về xuất xứ và chức năng của từng vật dụng. Nhưng đôi khi nói mãi mà khách vẫn không hiểu, nên cụ phải nói... bằng tay!
Ví như hỏi đến cối xay lúa, cụ phải kể và diễn tả bằng hành động để cho khách nghe, hiểu các công đoạn từ đi cắt lúa ngoài ruộng, rồi bỏ vào cối xay, sau đó sàng thành gạo, nấu thành cơm. Rồi cụ tỏm tẻm: “Mà không biết mình kể và làm ra răng mà khách Tây ai cũng... vỗ tay khen hay?”.
Ngoài cụ Ngảnh, ở Thủy Thanh hiện còn có các hướng dẫn viên du lịch tuổi “U80” như cụ Hải, cụ Diều, cụ Hấu cùng hơn mười nữ nông dân khác. Các bậc lão làng này đã rất nhiệt huyết và hiệu quả trong việc giới thiệu nét đẹp mộc mạc quê hương để mời gọi du khách.
Chính những động tác mô phỏng đầy tính biểu trưng, dân dã và giản dị như hạt thóc củ khoai của những người nông dân chân lấm tay bùn ở đây đã khơi dậy trí tò mò đối với du khách bốn phương, đồng thời một phần truyền bá văn hóa lúa nước của dân tộc.
Từ thực tế đó, chính quyền địa phương đã rút ra nhiều kinh nghiệm để xây dựng Thủy Thanh thành một điểm đến luôn hấp dẫn và mới lạ. Bên cạnh đó, ở đây mọi người còn xây dựng được một nét văn hóa rất đẹp, đó là nụ cười trong giao tiếp. Du khách đến Thủy Thanh luôn được chào đón bằng những gương mặt rạng rỡ, với nụ cười luôn nở trên môi. Tất cả đều tạo nên một không gian ấm áp, thanh bình và thân thiện.
Huế trước đây thường được các chuyên gia du lịch xem là mặc dù thừa tiềm năng, “no nê” danh hiệu quốc tế để phát triển du lịch, nhưng vẫn chưa mạnh trong việc hấp dẫn du khách. Song khoảng vài năm trở lại đây, bằng những nỗ lực thay đổi mạnh mẽ trong chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, Huế đã trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam. Trong đó, các tour du lịch làng nghề, “du lịch nhà quê” là nét mới tạo thêm sản phẩm du lịch cho thành phố cố đô này.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế chia sẻ điều này một cách rất phấn khởi. Minh chứng rõ nét nhất là trong khi khách du lịch đến với Việt Nam trong 11 tháng của năm 2015 giảm 2% so với cùng kỳ năm 2014, thì Thừa Thiên – Huế vẫn đón gần 950 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 3,39% so với cùng kỳ.
Để thu hút du khách, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã và đang xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung nâng cao chất lượng các loại hình du lịch làng nghề, xem đây là thế mạnh riêng của Huế, coi phát triển du lịch làng nghề gắn với thương hiệu ẩm thực Huế, là sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao...
Đồng thời, ngành cũng đã đầu tư hoàn thiện về hạ tầng, giao thông; có các chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu du lịch làng nghề; thay đổi hình thức quảng bá thương hiệu; tăng cường liên kết làng nghề Huế với làng nghề các địa phương trong nước và một số nước trong khu vực để tiếp tục phát triển du lịch bằng các lễ hội làng nghề định kỳ mang tầm khu vực.