Để tăng lương thực sự phát huy hiệu quả
Giữ chân người lao động không rút bảo hiểm là giải pháp căn cơ Từ 10/4: Áp dụng chính sách tiền lương mới đối với khối doanh nghiệp Nhà nước Từ 1/7/2024: Bãi bỏ, giữ lại các loại phụ cấp nào? |
Nhiều nội dung cải cách tiền lương sắp có hiệu lực
Từ ngày 1/7, hai nội dung cải cách tiền lương lớn sẽ đi vào cuộc sống là tăng lương tối thiểu năm 2024 và cải cách tiền lương khu vực nhà nước.
Cụ thể hơn, Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp thêm 6% mỗi tháng, bình quân 238.000 đồng từ ngày 1/7 tới.
Mức lương tối thiểu tháng được đề xuất tăng từ 200.000 đến 280.000 đồng tùy từng vùng. Nếu được thông qua, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 là 3,45 triệu đồng. Lương hiện hành các vùng đang dao động 3,25 đến 4,68 triệu đồng.
Lần gần đây nhất Việt Nam tiến hành cải cách tiền lương là vào năm 2003 |
Trong khi đó, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hưởng lương hưu chính thức được áp dụng mức lương tăng mới. Theo các tính toán, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức được điều chỉnh lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức hiện hành. Lương hưu cũng được điều chỉnh tăng 12,5% và 20,8% đối với nhiều đối tượng.
Trước mắt, theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 thì trong tháng 5 tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải hoàn thiện Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Tăng lương nhưng cần bình ổn giá
Mức lương được thay đổi theo hướng tăng, tuy nhiên nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động băn khoăn rằng, trong bối cảnh vật giá leo thang thì việc tăng lương có thực sự đem lại hiệu quả?
CPI quý I/2024 tại Việt Nam đã tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, nhiều nhóm mặt hàng thiết yếu gắn liền với cuộc sống của người dân trong tháng 3/2024 đều có chỉ số giá tăng với cùng kỳ năm trước như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,05%, trong đó nhóm lương thực tăng 16,54%, ăn uống ngoài gia đình tăng 4,29%, thực phẩm tăng 1,94%; nhóm giáo dục tăng cao nhất với 10,12%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,32%...
Trên thực tế, ở một số thành phố lớn như Hà Nội có mức sống thuộc hàng đắt đỏ nhất cả nước, mà cũng theo Tổng cục Thống kê thì thu nhập bình quân của lao động quý I/2024 chỉ khoảng 7,6 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động, viên chức sống tại Hà Nội chia sẻ rằng đang phải rất chật vật để trang trải cuộc sống bởi tình hình lạm phát. Nhiều người “than” phải chi nhiều khoản chi phí như thuê nhà trọ, gửi trẻ trong bối cảnh giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao… Mạng xã hội gần đây cũng rầm rộ chia sẻ câu chuyện rằng nhiều gia đình ở các thành phố lớn khi liệt kê chi phí hàng tháng cho 4 người gồm vợ chồng và 2 con nhỏ thì với mức thu nhập 30 triệu đồng có khi vẫn còn túng thiếu.
Phát huy hiệu quả cải cách tiền lương thông qua bình ổn thị trường hàng hóa |
Rõ ràng, nhìn vào đời sống thực tế và việc tăng lương thì có thêm 1-2 triệu đồng hàng tháng chưa chắc đã giải được bài toán áp lực chi phí sinh hoạt đang ngày một lên cao, nhất là tại các khu đô thị. Để việc tăng lương mang lại hiệu quả đối với người dân, các nhà quản lý cần sớm đưa ra các biện pháp để bình ổn thị trường.
Hơn nữa, giá và lương có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì thế khi lương được điều chỉnh tăng, thì giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng sẽ mượn cớ “tát nước theo mưa”. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, thực hiện cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ giữa năm 2024 có thể khiến giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng theo. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá cả thị trường vẫn luôn “chạy trước” lương của cán bộ, công chức viên chức, người lao động.
Nhiều chuyên gia từng lên tiếng, để bình ổn giá cần có phương án đầu tư, hỗ trợ cho logistics, kho bãi nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển, khắc phục được những bất cập trong hệ thống phân phối. Đồng thời, Nhà nước phải sớm tìm ra giải pháp để phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, cải thiện năng suất lao động để hạ giá thành sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm chất lượng, thu nhập cao cho người lao động. Ngoài ra, cũng cần thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nông sản thực phẩm, việc buôn bán cần phải được công khai, minh bạch trên thị trường nội địa…
Mới đây, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành giá quý I và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm trước áp lực lạm phát có thể đến trong quý II và các tháng còn lại trong năm.
Đặc biệt, về điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải tính toán thời điểm phù hợp với quá trình thực hiện chính sách tiền lương mới, đảm bảo thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Vì lợi ích chung của nhân dân, cần kiên quyết đấu tranh chống tình trạng thổi giá, chống lợi ích nhóm, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng. Qua đó, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.