Khai mạc Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023
Khai mạc Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. |
Tối 9/11/2023, tại Hoàng thành Thăng Long, Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam đã chính thức khai mạc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết ngành nghề, làng nghề ở nông thôn là lĩnh vực mang tính kinh tế - xã hội, vừa có tính lịch sử, văn hóa.
Các làng nghề không chỉ là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hoá, lịch sử, mà còn là nơi góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần ổn định của người dân, là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong tổng số hàng ngàn làng có nghề, đến nay cả nước đã công nhận hơn 2.030 làng nghề và làng nghề truyền thống.
Theo ông Lê Minh Hoan, mỗi nghề, mỗi làng là một câu truyện lịch sử, văn hoá đặc trưng của mỗi vùng, miền. Nhiều làng nghề truyền thống vẫn giữ được thương hiệu sản phẩm nổi tiếng như: Gốm Bát tràng, lụa Vạn Phúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bầu Trúc, gốm Bình Dương; Chằm nón lá An Hiệp.
Hiện nay khu vực ngành nghề nông thôn đang thu hút khoảng 800.000 cơ sở nghề là các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ, giải quyết công ăn việc làm 3,7 triệu lao động, trong đó có nhiều lao động lớn tuổi và người khuyết tật. Kim ngạch xuất khẩu riêng nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ năm 2022 đạt trên 3,3 tỷ USD.
Ông Nguyễn Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội với lịch sử ngàn năm văn hiến gìn giữ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú và giàu bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó, làng nghề truyền thống là một trong những nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của vùng đất Thăng Long Hà Nội địa linh nhân kiệt và giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền.
Theo ông Trần Sĩ Thanh, thành phố Hà Nội cam kết sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề và làng nghề Việt Nam, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/9/2023.
Theo ban tổ chức, Festival do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức với rất nhiều các hoạt động như Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã thu hút hàng trăm nghệ nhân, thợ giởi với trên 500 tác phẩm dự thi; Tổ chức các hoạt động lễ hội rước tổ nghề; Tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi; Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đến từ các từ các làng nghề với sự tham gia của hàng chục quốc gia, bạn bề quốc tế....
Không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham dự Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 có diện tích 450 m2, tương đương 50 gian hàng. Không gian làng nghề di sản với quy mô 25 gian hàng trưng bày, giới thiệu kết hợp trình diễn tại chỗ 25 nghề thủ công truyền thống của 19 tỉnh, thành phố đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Điển hình như nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu và nghề cốm Mễ Trì (TP. Hà Nội); nghề chạm bạc của người Nùng (Hà Giang), nghề mộc Kim Bồng và nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam); nghề làm nón lá Sai Nga (Phú Thọ)...
Không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP vùng miền có quy mô 150m2 nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, ẩm thực đặc sắc của các vùng miền địa phương nhằm tạo cơ hội cho khách hàng đến tham quan, giao dịch và tham gia các hoạt động của Festival.
Cùng với đó, khu thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu có quy mô hơn 100m2 được trang trí đặc biệt với các hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam. Ban tổ chức mời một số nghệ nhân tiêu biểu thao diễn tại chỗ một số nghề truyền thống như nghề gỗ mỹ nghệ, nghề thêu, nghề dệt lụa, nghề nón lá, nghề gốm, nghề đồng…
Bên cạnh đó là các Hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam; Hội nghị kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nhiều địa phương như Vạn Phúc, Phú Xuyên, Mê Linh cũng tổ chức các Lễ hội làng nghề của địa phương mình để hưởng ứng Festival lần này.