Đầu tư công vẫn ngóng luật
Hàng loạt vấn đề gây vướng mắc đối với quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư công tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận diện và kiến nghị thay đổi tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Dự kiến dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, tổ chức tháng 5/2019.
Giải ngân đầu tư càng chậm gây lãng phí nguồn lực |
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, liên quan đến nhiều cân đối lớn của nền kinh tế như tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng… Cơ quan soạn thảo luật cũng bám sát vào quan điểm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công như phân cấp điều chỉnh dự án, phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư gắn với trách nhiệm của từng cấp…
Với quan điểm xuyên suốt như vậy, hàng loạt vấn đề bất cập, gây cản trở quy trình, thủ tục đầu tư công đã được chỉ ra. Đơn cử như tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên là chưa hợp lý, do quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng lên rất nhiều so với trước đây. Nghị quyết số 05/1997/QH10 quy định quy mô là 10.000 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP theo giá hiện hành; Nghị quyết số 66/2006/QH11 quy định là 20.000 tỷ đồng, tương đương 1,9% GDP. Tuy nhiên, tại thời điểm thông qua Luật Đầu tư công (năm 2014), quy mô 10.000 tỷ đồng chỉ còn tương đương 0,3% GDP theo giá hiện hành. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, quy mô GDP năm 2018 ước khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp 17,7 lần so với năm 1997. Như vậy, nếu so sánh với quy mô nền kinh tế thì tiêu chí xác định dự án quan trọng quốc gia có xu hướng ngày càng nhỏ lại, chưa phù hợp với tiến trình phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, dự thảo luật kiến nghị sửa đổi tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, nâng từ 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với mức cũ.
Đồng thời, để đảm bảo tính tương quan và đồng bộ, các dự án nhóm A, B, C cũng được đề xuất điều chỉnh tương ứng tăng lên khoảng 3,5 lần so với mức vốn được quy định hiện hành. Việc điều chỉnh này không làm ảnh hưởng đến các quy định về thẩm quyền của các cá nhân, cơ quan có liên quan đối với từng phân loại dự án.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho rằng, nguồn vốn dành cho đầu tư công cần phải có quy trình quản lý và cần có những quy định phân cấp cụ thể. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công sửa đổi lần này cần tập trung vào việc định nghĩa nguồn vốn đầu tư công ngoài ngân sách nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả của các dự án.
Thừa nhận định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công ngoài ngân sách là chưa rõ ràng, không bao quát, cần liệt kê đầy đủ là nguồn nào hoặc có thể không quy định nguồn vốn này trong luật, tuy nhiên theo ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT), một số cơ quan Chính phủ cho rằng việc có quy định để quản lý nguồn vốn này là cần thiết, đồng thời thiết kế quy trình dự án và kế hoạch trong dự thảo luật đã phân cấp triệt để, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, tạo thuận lợi trong triển khai. Vấn đề còn lại là tìm được một khái niệm phù hợp, có tính bao quát nhất mà không cần thiết phải liệt kê, kiểm đếm là nguồn vốn nào.
Một số vấn đề khác đã được ban soạn thảo đề xuất nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương các dự án đầu tư công. Theo đó, điều chỉnh thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, trong đó, đề xuất phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng toàn bộ vốn của địa phương; UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C; bổ sung quy định về thẩm quyền đối với dự án của địa phương sử dụng nguồn vốn hỗn hợp thuộc nhiều cấp ngân sách khác nhau...
Ngoài ra, điều chỉnh, giảm bớt, rút gọn trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công gắn với phân cấp triệt để, cấp nào quản lý dự án, cấp đó có trách nhiệm quyết định chủ trương đầu tư dự án. Đối với riêng Bộ KH&ĐT chỉ thực hiện nhiệm vụ thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, phân cấp triệt để cho các bộ, ngành, địa phương tự thực hiện thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đối với dự án đầu tư công thực hiện ở nước ngoài như các dự án của Bộ Ngoại giao, dự án tại Lào... theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn với các trình tự, thủ tục đặc thù.
Về thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, dự thảo luật đề xuất sửa đổi theo hướng giải ngân trong 1 năm nhằm đảm bảo kỷ cương ngân sách và tăng cường đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Chính phủ.
Nếu so sánh với quy mô nền kinh tế thì tiêu chí xác định dự án quan trọng quốc gia có xu hướng ngày càng nhỏ lại, chưa phù hợp với tiến trình phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, dự thảo luật kiến nghị sửa đổi tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, nâng từ 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với mức cũ. |