Đại biểu Quốc hội: Sử dụng tiền công phải công khai cho dân biết
Đầu tư công trung hạn 2016-2020: Điều chỉnh tăng vốn nước ngoài, giảm trong nước | |
Vốn Nhà nước chỉ nên ưu tiên cho dự án tác động tới toàn xã hội | |
Đầu tư công vào khuôn khổ |
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 16/11 |
Phân loại vốn đầu tư để có quy trình quản lý khác nhau
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, về các khái niệm, theo Ban soạn thảo, quan trọng nhất là sửa đổi khái niệm vốn đầu tư công vào dự thảo luật, vốn đầu tư công gồm vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác của nhà nước chưa cân đối trong ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu Hàm cho rằng, việc khái niệm vốn đầu tư công gồm nguồn vốn khác của nhà nước chưa cân đối trong ngân sách, sẽ dẫn đến việc hiểu rằng có các khoản tiền của ngân sách, để ngoài ngân sách và làm lu mờ nỗ lực của Chính phủ trong việc đã đưa hầu hết các khoản thu của ngân sách vào cân đối và không rõ bằng khái niệm của luật hiện hành. Đồng thời, không bao quát hết các nguồn vốn của đầu tư công.
“Theo tôi, cần bám sát khái niệm tài chính công để đưa ra khái niệm vốn đầu tư công. Tài chính công sử dụng cho đầu tư công phải là vốn đầu tư công.” – đại biểu Ham phân tích thêm và nhấn mạnh: Từ khái niệm đầy đủ đó sẽ phân thành các loại vốn đầu tư công để có cách ứng xử khác nhau cho phù hợp. Ví dụ, vốn đầu tư từ ngân sách phải quy định chi tiết, chặt chẽ trong luật này. Đối với vốn đầu tư công đã được điều chỉnh đối với các luật khác sẽ giới hạn không quy định trong luật mà thực hiện theo pháp luật có liên quan. Đối với vốn đầu tư từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp thì quy định nguyên tắc và phân cấp mạnh ... Đây là cách mà chúng ta đã sử dụng để xây dựng Luật Quản lý tài sản công.
Vấn đề nữa được đại biểu Hoàng Quang Hàm đặt ra là mong muốn của Ban soạn thảo là phân cấp mạnh và giảm thủ tục đầu tư nhưng thiết kế nhiều điều khoản của luật không đáp ứng được yêu cầu đó.
Cụ thể, việc điều chỉnh, phân loại dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỷ đồng trở lên, gấp 3,5 lần quy định hiện hành để giảm việc trình Quốc hội là chưa đủ căn cứ vì không có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng. Dự án loại này phát sinh ít, kế hoạch trung hạn chỉ có hai dự án trình Quốc hội không có vướng mắc gì. 35.000 tỷ là khá lớn so với vốn đầu tư từ ngân sách. Đồng thời, việc điều chỉnh chưa nhìn nhận ưu điểm, trình Quốc hội sẽ có ngay bước vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn, có ngay các chính sách đặc thù và được Quốc hội cho nhiều ý kiến hữu ích để hoàn chỉnh dự án. Vì vậy, cần cân nhắc lại, không nên giảm thẩm quyền hợp lý và cần thiết của Quốc hội.
Không để hội đồng thẩm định làm "bình phong" trách nhiệm
Cũng đi từ khái niệm vốn đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, Luật Đầu tư công hiện hành quy định vốn đầu tư công bao gồm nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối trong ngân sách nhà nước. Việc quy định này làm cho các đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ cả về tự chủ vốn đầu tư và chi thường xuyên. Muốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất bằng nguồn thu hợp pháp của mình thì vẫn phải làm thủ tục đi xin các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương và phê duyệt nguồn vốn đầu tư. Điều này trái với chủ trương, tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập và không khuyến khích các đơn vị tự tích lũy để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho mình.
“Do vậy, tôi rất đồng tình với đại biểu Hoàng Quang Hàm là cần phải phân loại rất rõ các loại nguồn vốn đầu tư khác nhau để có các quy trình quản lý khác nhau. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tôi đề nghị trong luật này phải quy định rõ nguồn vốn của các đơn vị này được sử dụng như nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước mà không nên đưa vào quy định quản lý đầu tư công.” – đại biểu Cường nói.
Về Hội đồng thẩm định trong quy trình lập, phê duyệt chủ trương dự án đầu tư, theo đại biểu Cường, quy trình hiện hành khi phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư đều có một bước thành lập các hội đồng thẩm định để dựa trên ý kiến của Hội đồng thì các cấp thẩm quyền sẽ ra quyết định phê duyệt. Tuy nhiên, về bản chất quyết định đầu tư mang tính hành chính nhà nước chứ đây không phải là một quyết định chuyên môn, mà chỉ có quyết định chuyên môn mới phải dựa vào một hội đồng chuyên môn như các hội đồng khoa học chuyên ngành.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập các hội đồng thẩm định thực chất là việc hình thức hóa hay hợp pháp hóa ý kiến, ý chí chủ quan của người có thẩm quyền, quyết định bằng bình phong là hội đồng để khi có hậu quả xảy ra thì quyết định đầu tư dù có không đúng thì không ai phải chịu trách nhiệm.
Đại biểu Cường quan ngại: Nếu như cứ tiếp tục duy trì cơ chế lấy hội đồng làm lá chắn như thế này thì chắc trong tương lai sẽ có nhiều dự án đầu tư công thất thoát hoặc đầu tư không đúng nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm.
Do vậy, cần quy định lại quy trình là đơn vị đề xuất đầu tư phải lập và chịu trách nhiệm về thông tin, về hồ sơ dự án, đơn vị và cơ quan có chức năng quản lý đầu tư phải chịu trách nhiệm về thẩm định dự án.
Bên cạnh đó, vị đại biểu thuộc đoàn Hà Nội cũng cho rằng, dự án đầu tư công là dự án sử dụng tiền công nên phải công khai cho dân biết chi tiết đầu tư làm gì, đầu tư như thế nào, việc sử dụng vào đó yếu tố đầu tư làm sao cũng như giải pháp quy trình kỹ thuật được thi công. Trong quy định hiện hành của Luật Đầu tư công đã có Điều 14 về công khai minh bạch trong đầu tư công nhưng còn chung chung.
“Vì vậy, trong Điều 14 về công khai minh bạch trong đầu tư công cần quy định công khai chi tiết đầy đủ toàn bộ hồ sơ dự án đầu tư để người dân được biết, chỉ trừ dự án đầu tư thuộc dạng bí mật nhà nước hoặc công trình về quốc phòng, an ninh quan trọng quốc gia không cần công khai.” – đại biểu Cường đề nghị và theo ông nếu công khai đầy đủ các thông tin của dự án về nội dung, các hạng mục đầu tư, quy trình kỹ thuật cũng như quá trình triển khai, công chúng sẽ là những người biết rất rõ, khi đấy không thể có khuất tất trong quá trình như thiết kế, thẩm tra, không thể có cắt xén hay gian dối trong quá trình thi công và thực hiện dự án.