Đẩy nhanh xử lý nợ xấu với Quyết định 843
Ảnh minh họa |
Chỉ sau gần 2 tuần lễ, kể từ ngày ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty VAMC, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 843/2013/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và Ðề án thành lập VAMC.
Áp lực từ VAMC
Sự xuất hiện của VAMC cũng tăng thêm sức ép lên hệ thống TCTD vốn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là những áp lực mâu thuẫn nhau, như các NHTM phải hạ lãi suất cho vay và tìm kiếm khách hàng vay vốn, trong khi nợ xấu còn cao, rủi ro nợ xấu dễ xảy ra nếu hạ chuẩn tín dụng hoặc thiếu kiểm soát khách hàng vay vốn.
Về mặt kỹ thuật, phương án mua nợ theo giá sổ sách của VAMC sẽ giúp các TCTD cải thiện phần nào bảng cân đối kế toán để mở rộng tín dụng, đồng thời có thể nhận thêm nguồn vốn từ bên ngoài, kể cả từ các đối tác nước ngoài.
Trường hợp TCTD cố tình che giấu nợ xấu và không bán nợ cho VAMC, NHNN sẽ thanh tra toàn diện, kiểm toán bắt buộc theo những nội dung do NHNN yêu cầu; có thể ra quyết định hạn chế việc mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động… |
Nhưng với quy định "chế tài của Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD yêu cầu các TCTD phải thực hiện nghiêm 10 biện pháp xử lý nợ xấu đã được phê duyệt và không được che giấu nợ xấu" sẽ có ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ khi chuyển nợ xấu sang VAMC.
Những TCTD có tỉ trọng cho vay quá cao so với nguồn vốn huy động sẽ phải chuyển một phần nợ xấu sang VAMC, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh cho vay vào thời điểm này phải được tính toán và kiểm soát chặt chẽ để giảm dần tỉ lệ nợ xấu, đồng thời phải ngăn ngừa được nguy cơ phát sinh nợ xấu.
Do đó, có thể nói sự xuất hiện của VAMC sẽ buộc các TCTD phải chủ động trong vấn đề xử lý nợ xấu, nhưng không thể lệ thuộc hoàn toàn vào công ty này. Từng TCTD sẽ phải cân nhắc, lựa chọn giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất để giảm tỉ lệ nợ xấu.
Hơn nữa, Đề án tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản. Vì thế, VAMC sẽ lựa chọn mua những khoản nợ có khả năng xử lý được nhanh chóng, có thể sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Giảm áp lực từ nợ doanh nghiệp Nhà nước
Điểm tích cực của VAMC thể hiện qua cơ chế mua nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là không liên quan đến vốn điều lệ, tạo ra sự ràng buộc chặt chẽ hơn về trách nhiệm của các doanh nghiệp và TCTD đối với nguồn vốn đầu tư, tách dần sự lệ thuộc của khu vực DNNN vào nguồn vốn đầu tư Nhà nước, mặc dù trước mắt vẫn cần gói hỗ trợ cần thiết từ ngân sách Nhà nước để thúc đẩy tốc độ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
NHNN đã trình Thủ tướng 8 phương án tái cơ cấu đối với 9 ngân hàng yếu kém. Trong đó, 3 ngân hàng đã được hợp nhất; 1 ngân hàng đã được sáp nhập, một ngân hàng chuẩn bị hợp nhất, 3 ngân hàng đã được chấp thuận phương án tự cơ cấu lại. Đối với ngân hàng yếu kém còn lại, NHNN đang thẩm định phương án do ngân hàng này tự xây dựng. |
Áp lực lên VAMC cũng giảm nhẹ do các NHTM Nhà nước được phép bán các khoản nợ xấu của DNNN để xử lý trong quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (DATC).
Đối với các cơ quan chức năng, điều quan trọng là cần tiếp tục điều chỉnh môi trường pháp lý cho phù hợp với thực tế hiện nay, làm tăng thêm tính linh hoạt của VAMC, như xác định rõ mục tiêu cần đạt được và cơ chế hoạt động, hoàn thiện cơ chế, công cụ đặc biệt để nhanh chóng bán tài sản, phát triển một thị trường mua bán nợ hiệu quả với khung pháp lý ổn định và hệ thống đánh giá độc lập đối với các khoản nợ, tài sản đảm bảo kèm theo và năng lực trả nợ của khách hàng để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư, quyết liệt hơn trong chính sách tài khóa nhằm giảm gánh nặng nợ công và ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô.
Như vậy, vai trò chủ yếu của VAMC là gây áp lực lên các TCTD phải chủ động và triệt để giải quyết vấn đề nợ xấu trong bối cảnh qui mô, đặc điểm nợ xấu tại các TCTD hiện nay phức tạp hơn nhiều so với những đợt tái cơ cấu trước đây, do Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo TS. Hoàng Thế Thỏa (Chinhphu.vn)