Để tín dụng tiêu dùng đúng hướng
Để tín dụng tiêu dùng phát triển hiệu quả, đúng bản chất | |
Tín dụng tiêu dùng: Khuyến mãi lớn cho người mua xe máy | |
Tín dụng tiêu dùng cần bóc tách thỏa đáng |
Tại Chỉ thị 01/2019/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019, Thống đốc có đặt ra mục tiêu phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng lành mạnh, yêu cầu các TCTD phải nghiên cứu bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân.
TCTD cần có sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân |
Đánh giá cao chỉ đạo của NHNN, giới chuyên gia cho rằng, việc thúc đẩy tín dụng tiêu dùng là hoàn toàn hợp lý. Sở dĩ như vậy là bởi tín dụng tiêu dùng có vai trò rất quan trọng đối với người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Sự phát triển của cho vay tiêu dùng đồng nghĩa với việc tăng sức mua của người dân, từ đó tạo nên sự sôi động cho thị trường hàng hoá tiêu dùng, qua đó thúc đẩy sản xuất phát triển và cuối cùng là tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, việc phát triển tín dụng tiêu dùng qua kênh chính thống cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển tài chính toàn diện, qua đó góp phần tích cực hạn chế tín dụng đen.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược ngân hàng, hiện có gần 16 triệu người Việt Nam thoả mãn các điều kiện cơ bản về độ tuổi và thu nhập để trở thành khách hàng của tín dụng tiêu dùng. Người dân đang chuyển đổi hành vi từ tiết kiệm sang mua sắm nhiều hơn. Kết quả là cùng với sự phát triển kinh tế, tỷ trọng tiêu dùng cá nhân trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng nhanh từ 52,5% (năm 2005) lên gần 70% GDP năm 2018. Dự đoán trong 6 năm tới, tỷ trọng này vẫn chiếm trên 65% với tốc độ tăng trưởng doanh thu tiêu dùng bình quân trên 10%/năm.
Mặc dù vậy, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, kiểm soát tín dụng tiêu dùng rất quan trọng vì nó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi nhiều khoản cho vay tiêu dùng là cho vay tín chấp dựa vào thu nhập của khách hàng. Như cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng tại Hàn Quốc năm 2003 là một ví dụ rõ ràng về nguy cơ tăng trưởng quá nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng. Sự phát triển quá nóng của lĩnh vực này trong khi kiểm soát hoạt động còn lỏng lẻo đã làm cho khách hàng vay mượn quá mức, vượt quá khả năng chi trả. Chính vì thế, theo vị chuyên gia này cốt yếu là mỗi một ngân hàng phải xác định cho được khẩu vị rủi ro dựa trên nền tảng khách hàng của mình và khả năng cho vay của mình. Dựa trên khẩu vị rủi ro đó, ngân hàng nên bố trí lượng vốn đủ để đáp ứng nhu cầu, còn việc thúc đẩy cho vay tiêu dùng đúng mục đích là việc cần phải làm.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh của Ngân hàng Chính sách xã hội và Agribank, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đều nhấn mạnh thực tế về nhu cầu tín dụng của người dân là có, nhiều trường hợp phát sinh trong cuộc sống hàng ngày như đau ốm, bệnh tật, con em đi học… Người dân cần thì ngân hàng phải nghiên cứu để đưa ra sản phẩm đáp ứng được những nhu cầu tín dụng chính đáng đó với mức lãi suất cho vay phù hợp để giảm tải cho người dân, thay vì để họ phải chấp nhận vay bên ngoài với mức lãi suất rất cao. Đồng thời phải đảm bảo bù đắp được chi phí tài chính của ngân hàng và vẫn cung ứng được tín dụng tiêu dùng, đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt bà con ở khu vực đồng bào dân tộc, ưu tiên người lao động khu công nghiệp - khu vực, địa bàn dễ phát sinh về tín dụng đen.
Để hỗ trợ cho các hoạt động tín dụng tiêu dùng, cũng như quản lý rủi ro, theo TS. Phạm Mạnh Hùng - Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng, thì việc quản lý thông tin hệ thống dữ liệu công dân nói chung và dữ liệu tài chính cá nhân nói riêng cần phải phát triển và ổn định. Trong đó, CIC cần xem xét đẩy mạnh kế hoạch mở rộng nguồn dữ liệu của mình, tiếp cận các nguồn dữ liệu thay thế.
Một chuyên gia cũng bày tỏ, phát triển thị trường tài chính tiêu dùng đúng hướng và lành mạnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động TCTD trong việc chấp hành quy định của pháp luật, của NHNN về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Đồng thời ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện để mọi người dân được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Đi cùng với đó là thúc đẩy phát triển công nghệ 4.0 trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao kiến thức tài chính của người dân và thông tin kịp thời về đánh giá hoạt động của các công ty tài chính để minh bạch thông tin.
“Trên nền tảng thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ tạo điều kiện cho thị trường dịch vụ tài chính tiêu dùng ngày càng phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững”, vị này cho biết.