Để tín dụng xanh "xanh" mãi
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh bền vững | |
Nỗ lực tìm nguồn để “xanh hóa” nền kinh tế |
Tuy nhiên để tín dụng xanh “xanh” mãi, theo các chuyên gia, không chỉ cần bố trí nguồn vốn tín dụng xanh mà quan trọng hơn là các cơ chế, chính sách mạnh hơn để các bên từ thực thi hay thụ hưởng chính sách đều phải có trách nhiệm cao đối với vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tín dụng xanh được đánh giá sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai |
Vì tương lai xanh
Theo thống kê của NHNN, tính đến 31/3/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 242.355 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2018. Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh đạt 131.839 tỷ đồng, chiếm 55%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn đạt 31.685 tỷ đồng, chiếm 13%; lâm nghiệp bền vững đạt 13.657 tỷ đồng, chiếm 5,7% và năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt 8.348 tỷ đồng, chiếm 3,5%.
PGS-TS. Trần Thị Thanh Tú - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Tín dụng xanh là việc các TCTD cho vay đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất “xanh” bao gồm các hoạt động tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường (không gây hại và góp phần bảo vệ môi trường.
Trong những năm gần đây, tín dụng xanh là xu hướng được quan tâm hàng đầu để góp phần cải thiện môi trường sống. Năm 2015 NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN yêu cầu các NHTM thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.
Đầu năm 2017, NHNN cũng ban hành Chỉ thị 01/2017 tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Đặc biệt, tháng 7/2018, NHNN đã phê duyệt Đề án “Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam”. Đề án nêu rõ: đến năm 2025, sẽ có 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn “xanh”.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các NHTM đã, đang triển khai nhiều chương trình tín dụng xanh và đạt được những kết quả tích cực. Gần đây nhất, tháng 8/2019 TPBank đã ký kết hợp đồng dài hạn khoản vay tín dụng xanh trị giá 20 triệu USD trong vòng 3 năm từ Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu - The Global Climate Partnership Fund (GCPF).
Trước đó, GCPF đã ký kết hợp tác triển khai chương trình “Tín dụng xanh” với NamA Bank. Nhiều NHTM khác cũng tích cực hỗ trợ DN trong các dự án vì môi trường như: Agribank và VDB đã ký thỏa thuận đồng tài trợ vốn cho dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) với vốn đối ứng của chủ đầu tư là 40%, vốn vay các ngân hàng là 60%. HDBank vừa đưa ra gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho các DN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên cả nước.
Cần thêm các điều kiện về tín dụng xanh
Đánh giá về tình hình phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng ngân hàng rất tích cực trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, song vẫn cần có những quy định cụ thể để tín dụng xanh phát triển hơn trong tương lai.
Theo một chuyên gia, hiểu nghĩa rộng thì tín dụng xanh là những khoản cấp tín dụng có điều kiện ràng buộc về bảo vệ môi trường, đơn cử như tín dụng cấp cho các công ty khai thác khoáng sản. Ở một số ngân hàng nước ngoài quy định khi DN sử dụng các khoản tín dụng cho lĩnh vực đó thì phải đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Ở Việt Nam điều kiện ràng buộc về bảo vệ môi trường còn khá yếu.
Vị chuyên gia này kiến nghị, NHNN cần đưa ra quy định về yếu tố bảo vệ môi trường cho tất cả các khoản tín dụng, kể cả tín dụng thương mại. Đặc biệt cần có những quy định cụ thể khi ngân hàng cung cấp tín dụng cho DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có thể tác hại đến môi trường.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế nhận định: Vấn đề môi trường sống bị hủy hoại đã, đang trở nên vô cùng trầm trọng, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều về biến đổi khí hậu. Vì vậy phải có biện pháp ngay, một ngày qua đi mà không có những chế tài, quy định là một ngày đưa Việt Nam và thế giới vào nguy hiểm.
Chuyên gia cho rằng, NHNN cần xây dựng và hoàn thiện quy định cụ thể về tín dụng xanh, tất cả dự án đầu tư kinh doanh có ảnh hưởng đến môi trường phải được quy định một cách chặt chẽ hơn. Từ đó các NHTM xây dựng quy định, quy trình riêng trong cấp tín dụng để thực hiện chủ trương của NHNN về phát triển bền vững. Khi cấp tín dụng, các ngân hàng cũng phải trao đổi cụ thể với khách hàng về những quy định, buộc họ phải có sự cộng tác để bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy biến đổi khí hậu ngày càng tăng, gây ra những hệ lụy rất lớn trên thế giới mà cụ thể là ở Việt Nam cũng đang phải hứng chịu. Do đó việc mở rộng tín dụng xanh thậm chí là “xanh hóa” toàn bộ nguồn cung tín dụng là cần thiết.
Muốn vậy, chỉ có sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong phát triển tín dụng xanh là chưa đủ. Cần có thêm các quy định, chế tài để nhiều bộ, ngành khác tham gia; có thêm chính sách không chỉ khuyến khích mà là bắt buộc các bên tham gia đầu tư, kinh doanh phải đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường.