Nỗ lực tìm nguồn để “xanh hóa” nền kinh tế
TPBank và GCPF ký kết hợp đồng cho vay tín dụng xanh 20 triệu USD | |
Đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng xanh |
Ảnh minh họa |
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, điều đó hoàn toàn có thể trở thành lợi thế trong thu hút đầu tư vào tăng trưởng xanh và tăng tính bền vững môi trường, nhất là khi chúng ta luôn có được môi trường chính trị ổn định, nhận thức và nhu cầu phát triển bền vững ngày càng lớn và được hiện thực hóa qua các chính sách.
“Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Tuy nhiên, chúng tôi thấy mặt tích cực ở đây là Chính phủ, Nhà nước đã và đang đưa ra những chính sách tích cực để góp phần hạn chế BĐKH, bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng thấy nhu cầu và tư duy này ở các đối tác ở Việt Nam, cũng như từ cộng đồng nơi đây”, ông Bùi Quang Duy - chuyên gia đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) của Quỹ Hợp tác Khí hậu Toàn cầu (GCPF), nhìn nhận.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực luôn cần những nguồn vốn lớn, dài hạn thu hồi vốn lâu mà lãi suất cho vay luôn cần “hợp lý” hơn so với các khoản vay thông thường nên phần vốn mà các ngân hàng dành ra cho lĩnh vực này dường như khó đủ để đáp ứng nhu cầu, nhất là trong bối cảnh phải “cân bằng” trong danh mục cho vay chung. Nói cách khác, “lợi ích” thì ai cũng thấy rõ nhưng “lợi nhuận” mang lại từ các khoản tín dụng xanh thường lại không được bằng các khoản cho vay thông thường và điều đó khiến không ít ngân hàng chưa cảm thấy mặn mà.
Vấn đề đến đây tưởng như mâu thuẫn nhưng thực tế vẫn có những cách thức để hóa giải trên thực tế. Cùng với chiến lược và xu hướng “xanh hóa” nền kinh tế, tín dụng xanh đã có những bước phát triển rất tích cực trong những năm gần đây. Danh sách các dự án liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến bảo vệ môi trường, không gây hại đến môi trường, vì sức khỏe và lợi ích cộng đồng ngày càng mở rộng hơn, kéo theo nhu cầu tín dụng xanh cũng ngày càng lớn.
Như mới đây, GCPF vừa mới đây đã ký kết hợp đồng dài hạn khoản vay tín dụng xanh trị giá 20 triệu USD trong vòng 3 năm với Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), mở ra thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hấp dẫn cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có yếu tố tiết kiệm năng lượng, giảm thải CO2 và thân thiện với môi trường xã hội. Đây là NHTM thứ hai ở Việt Nam mà GCPF có hợp tác.
“Chúng tôi thấy tiềm năng cho tín dụng xanh đang ngày càng lớn ở Việt Nam. Tôi tin rằng trong 2-3 năm tới, nguồn vốn xanh của GCPF dành cho Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 57 đến 80 triệu USD”, ông David Diaz Formidoni - Phó trưởng Bộ phận tín dụng xanh của GCPF cho biết.
Tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng phải theo hướng xanh và bền vững vừa là mục tiêu, vừa là nhu cầu và xu hướng ngày càng tất yếu. Nhưng do lĩnh vực này cần những nguồn vốn lớn, dài hạn nên việc tìm kiếm và hợp tác để có được các nguồn vốn từ các đối tác bên ngoài rất cần được khuyến khích. Trên toàn cầu, đặc biệt tại các khu vực và nền kinh tế phát triển như châu Âu - nơi rất ưu tiên cho tăng trưởng xanh trong khi lãi suất đang vô cùng thấp - nguồn vốn từ tổ chức tài chính muốn tìm kiếm những nơi phù hợp để đầu tư là không ít.
Từ những nhìn nhận ở trên, Việt Nam chắc chắn là một trong những địa điểm phù hợp như vậy. Vấn đề còn lại là các ngân hàng trong nước cân bằng uy tín, kinh nghiệm và tư duy mong muốn phát triển xanh của mình để có thể trở thành kênh tin cậy cho những dòng vốn đó chảy vào.
Theo Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, việc tiếp cận các nguồn vốn trung và dài hạn bên ngoài vào tín dụng xanh không hẳn quá khó, nhưng cũng không phải quá dễ, bởi vì rõ ràng một TCTD phải đáp ứng được những tiêu chí và cam kết cần thiết.
“Ví dụ như với TPBank là một trong những TCTD được xếp hạng ở mức cao bởi Moody’s. Chúng tôi cũng đã tuân thủ được các tiêu chuẩn và thông lệ tốt, nằm trong nhóm các ngân hàng đã được NHNN công nhận đáp ứng chuẩn Basel II. Ngân hàng cũng đã có các đối tác nước ngoài, có các khoản huy động vốn khá lớn từ thị trường quốc tế trong thời gian qua… Những yếu tố như vậy giúp ngân hàng ít nhiều có thuận lợi hơn trong việc huy động các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế”.
Còn theo ông David, tăng trưởng và tiềm năng của Việt Nam là một yếu tố quan trọng nhưng bên cạnh đó, với GCPF, việc nguồn vốn đi đúng vào các dự án, khách hàng vay theo mục tiêu đặt ra cũng quan trọng không kém. Vì vậy, việc lựa chọn được các đối tác tin cậy để triển khai các khoản cho vay luôn là vấn đề trọng tâm của GCPF.