Tài chính tiêu dùng bắt nhịp CMCN 4.0
Tối ưu trải nghiệm người dùng
Tại nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế gần đây, các phân tích, nhận định đều hướng đến những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tới hầu hết các lĩnh vực. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc cách mạng này và có thể nhìn thấy khá rõ sự chuyển động của 4.0 tới lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Ảnh minh họa |
Sự tác động của CMCN 4.0 tác động tới lĩnh vực tài chính – ngân hàng như thế nào, bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính (EY Việt Nam) cho rằng, tác động của nó là rất rõ và trong vài năm trở lại đây, không chỉ những ngân hàng lớn mà các công ty tài chính không ngừng đầu tư vào nền tảng công nghệ số nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng và quy trình cho vay, từ đó gia tăng vị thế cạnh tranh của mình trong thị trường cũng như mở rộng thị phần trong nước và quốc tế. “Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với sự ra đời của một loạt các công nghệ đột phá khiến các công ty tài chính đang phải nỗ lực mạnh mẽ hơn bao giờ hết để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng ngày càng lớn về chất lượng sản phẩm cũng như trải nghiệm người dùng. Chuyển động này đem đến những lợi ích nhất định cho người dùng.”- bà Nguyễn Thùy Dương chia sẻ.
Các chuyên gia tài chính – ngân hàng chỉ ra rằng, chính đột phá công nghệ trong bối cảnh CMCN 4.0 đã giúp rút ngắn khoảng cách của người vay, nhất là cho vay tiêu dùng với sản phẩm tài chính. Bởi khách hàng thời nay mong muốn được giải ngân trong vài giờ, thậm chí vài phút thay vì vài ngày như trước đây. Và hiện các công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt là các công ty đang chiếm đa số thị phần trên thị trường như FE CREDIT, HD Saison hay Home Credit, không ngừng ứng dụng công nghệ, tích cực thúc đẩy việc thu hút thêm các khách hàng mới, tập trung chủ yếu vào đối tượng khách hàng cá nhân ít có cơ hội tiếp cận với các khoản vay tiêu dùng của ngân hàng.
Giúp đưa ra những quyết định chính xác hơn
Trước làn sóng CMCN 4.0, FE CREDIT là công ty duy trì vị trí tiên phong trong ngành tài chính tiêu dùng bằng cách không ngừng đầu tư vào nền tảng công nghệ số nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng và quy trình cho vay, từ đó gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường, cũng như mở rộng thị phần trong nước và quốc tế. Những động thái này đem đến những lợi ích nhất định cho người dùng.
“Công nghệ sẽ chỉ thuần túy là công nghệ nếu không có những sáng tạo mang tính thực tiễn của con người trong việc áp dụng công nghệ. FE CREDIT ý thức được điều này nên công ty đã không ngừng nghiên cứu và chọn ra những giải pháp công nghệ phù hợp nhất để đào sâu tính hiệu quả giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và tăng hiệu quả làm việc của nhân viên cũng như giúp cắt giảm chi phí vận hành.” - ông Nguyễn Thiện Tâm - Giám đốc Trung tâm sáng kiến FE CREDIT chia sẻ.
Hiện FE Credit đã sử dụng kho dữ liệu khổng lồ (Big Data), số hóa dữ liệu, vào các quy trình nghiệp vụ cho vay. Theo ông Tâm, tác động lớn nhất của Big Data đối với FE CREDIT là giúp công ty sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn và đưa ra những quyết định chính xác hơn. Được biết, tới đây FE CREDIT sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và nhận diện ký tự thông minh và từ kho dữ liệu sinh trắc học được tối ưu hóa. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp so khớp và nhận dạng khách hàng dựa trên những mẫu thu được từ khách hàng cũng như kho dữ liệu có sẵn. FE CREDIT đang đưa vào thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt và kiểm tra chất lượng hình ảnh, giúp nhận dạng khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian và nhân lực.
Cũng với phương thức cho vay kiểu tài chính tiêu dùng trong bối cảnh CMCN 4.0 là cho vay ngang hàng (Peer to Peer - P2P Lending) đang phát triển ở Việt Nam và theo như TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính – ngân hàng, phương thức cho vay này với vai trò là trung gian, các công ty công nghệ giúp cho người có nhu cầu đầu tư và nhu cầu vay vốn gặp nhau. Tương tự như xe công nghệ Grap giúp kết nối giữa chủ xe và khách hàng.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cảnh báo, phương thức cho vay ngang hàng này có rủi ro như khó kiểm soát lãi suất, mà “nếu rủi ro xảy ra thì cả bên cho vay và đi vay không ai chịu trách nhiệm cả. Sắp tới nếu có khung pháp lý cho lĩnh vực này phải làm rất rõ trách nhiệm của các bên.” – TS. Lực nói và đề xuất, Việt Nam cũng phải tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lý và có lẽ các cơ quan quản lý Nhà nước nên thực hiện theo dạng thí điểm với lĩnh vực cho vay này.