Điểm sáng Đà Nẵng
Song hành chính sách
TP. Đà Nẵng sở hữu bờ biển dài, có vịnh Đà Nẵng nằm chắn bởi sườn núi Hải Vân và Sơn Trà, mực nước sâu, thuận lợi cho việc xây dựng Trung tâm nghề cá khu vực gắn với ngư trường Hoàng Sa hay Trường Sa. Chỉ tính riêng Cảng cá Thọ Quang, nằm trên địa bàn quận Sơn Trà, mỗi năm đã tiếp nhận trên 19.200 lượt tàu khai thác hải sản của Đà Nẵng và địa phương lân cận.
Đà Nẵng đang phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ một cách bền vững |
Những năm gần đây, chính quyền TP. Đà Nẵng có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển, phát triển nghề cá một cách bền vững. Theo đó, địa phương đã ban hành các chủ trương, chính sách, giải pháp quản lý, nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả khai thác hải sản xa bờ, hạn chế khai thác gần bờ để tái tạo nguồn lợi thủy sản đang bị cạn kiệt.
Đồng thời, đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng trở thành trung tâm nghề cá của khu vực miền Trung để thu hút nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Thực hiện, Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản. Đến nay, trên địa bàn có 7 chủ tàu đã được các NHTM ký hợp đồng tín dụng đóng mới tàu cá theo NĐ 67. Tổng số tiền các NHTM cam kết cho vay đóng mới tàu cá 118,775 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 86,845 tỷ đồng. Ngoài ra, có hai chủ tàu cũng đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt được hưởng chính sách tín dụng nâng cấp tàu cá, mua sắm ngư lưới cụ theo NĐ 67...
Đặc biệt, tại TP. Đà Nẵng bên cạnh việc thực hiện NĐ 67, nhằm phát triển bền vững đội tàu khai thác hải sản xa bờ, UBND TP. Đà Nãng đã có Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND (QĐ 47), quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Nguồn vốn được trích từ ngân sách địa phương.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, kể từ khi UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá đến nay, số lượng tàu cá đóng mới của địa phương tăng đáng kể qua từng năm. Điều này cho thấy tính hiệu quả, thiết thực của chính sách đã tác động trực tiếp đến bà con ngư dân.
Theo đó, đóng mới tàu cá theo QĐ 47 đến nay Đà Nẵng đã đóng mới được 73 tàu với tổng kinh phí hỗ trợ 38 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ ngư dân “xả bản”, tháo dỡ tàu công suất nhỏ theo Quyết định số 4991 đến nay cũng đã hỗ trợ cho 65 chủ phương tiện, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên đối với các thuyền viên sản xuất trên các tàu có công suất từ 50cv đến 90cv đến nay thành phố đã chi hỗ trợ cho 9.081 lượt thuyền viên người với tổng số tiền 525 triệu đồng...
Song hành, các chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương đã tác động tích cực đến hoạt động khai thác hải sản và đời sống kinh tế của ngư dân Đà Nẵng. Đến nay, tổng số tàu cá của thành phố 1.614 chiếc. Trong đó, tàu công suất từ 90cv trở lên có 502 chiếc (đặc biệt trong 502 chiếc từ 90cv trở lên có 389 chiếc tàu có công suất từ 400cv trở lên). Với ngư trường khai thác chủ yếu là Hoàng Sa, Trường Sa và Vịnh Bắc bộ...
Ngoài ra, Đà Nẵng còn xây dựng được 96 tổ khai thác hải sản với 622 tàu hoạt động khai thác trên các vùng biển xa bờ. Với tổ chức mô hình tổ đội sản xuất trên biển đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của ngư dân, góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động sản xuất trên biển, giúp cho ngành khai thác hải sản có nhiều chuyển biến tích cực.
Kinh nghiệm đóng tàu vỏ thép
Theo đại diện của các cơ quan chức năng ở địa phương, đến nay nhìn chung các tàu cá đánh bắt xa bờ theo diện vay vốn NĐ 67 hay từ ngân sách địa phương hỗ trợ đều hoạt động khá hiệu quả. Trong đó, các tàu vay vốn theo NĐ 67 hoạt động đạt hiệu quả, phát huy được vốn đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Khác với một số địa phương khác ở miền Trung, các chủ “tàu sáu bảy” ở Đà Nẵng đang ăn nên làm ra, không bị nợ quá hạn, nợ xấu... đến nay đã trả được cho các NHTM số tiền 3.162 triệu đồng.
Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ những sự cố tàu vỏ thép bị hư hỏng, do quá trình đóng không được giám sát không kỹ, nhiều ngư dân ở địa phương đã chủ động hơn trong khâu đóng tàu. Ngư dân Lê Văn Sang ở quận Hải Châu kể lại những bài học trong câu chuyện đóng tàu vỏ thép của mình. Theo đó, lần đầu tiên ông đóng con tàu vò thép Sang Fish 01, tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa) theo chính sách 1787 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển kinh tế biển. Con tàu có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng.
Trong đó, gia đình đã bỏ số tiền hơn 4 tỷ đồng cộng với 7 tỷ còn lại được Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam hỗ trợ với thời gian hoàn trả là 6 năm. Sang Fish 01 có công suất 750CV, dài hơn 25 m, rộng gần 8 m, chiều cao mạn 3,6 m. Tàu được trang bị đầy đủ radar, máy định vị GPS, máy thu phát sóng radio, la bàn từ, máy dò cá trong phạm vi 3.000m với góc quét 45 độ… Dầu mỡ, nhiên liệu dự trữ bảo đảm cho tàu hoạt động liên tục 2.000 hải lý, 18 thủy thủ đoàn đi biển trong 30 ngày…
Bao nhiêu tâm huyết, khát vọng hiện đại hóa nghề đều dành vào Sang Fish 01 cả. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn hoạt động, con tàu Sang Fish 01 máy chính bị xuống tải nên nằm bờ sửa chữa. Ngoài ra, con tàu khi ra biển bị rung lắc rất mạnh, tời thuỷ lực cũng kém chất lượng... Ông Sang khẳng định, nếu ngư dân giám sát không chặt, phía đóng tàu không lắp đúng máy, thép không nguyên khối, xuất xứ không rõ ràng thì chuyện những con tàu vỏ thép, hư hỏng nằm bờ là điều không có gì lạ.
Rút kinh nghiệm từ con tàu Sang Fish 01, khi được chọn tham gia NĐ 67, ông Sang xin Đà Nẵng “cơ chế riêng” đóng theo thiết kế của mình. Theo đó, ngư dân Lê Văn Sang tiếp tục vay vốn đóng tiếp con tàu vỏ thép số hiệu ĐNa 90678 và hiện nay đã đưa vào sử dụng. Tàu có chiều dài 25m, rộng 7,2m, tổng công suất 814CV, tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng, làm nghề lưới vây kiêm dịch vụ hậu cần. Đây là tàu vỏ thép thứ ba của Đà Nẵng đóng mới theo NĐ 67. Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước.
Khi đóng con tàu này, thi công tàu cá được gia đình giám sát chặt chẽ. Và ngay từ đầu đã làm hợp đồng rõ với nhà máy đóng tàu không làm theo hình thức chìa khoá trao tay, nhà máy chỉ thi công phần vỏ tàu, hầm lạnh và tính chi phí lắp đặt trang thiết bị. Chủ đầu tư lựa chọn các trang thiết bị máy móc và ngư lưới cụ phù hợp, từ đó, khi đưa vào vận hành khai thác.
Sau 8 chuyến biển tàu ĐNa 90678 đã có những hiệu quả tích cực, khi hoạt động ổn định cả trong sóng gió cấp 7, cấp 8. Trên tàu sử dụng máy tàu thủy caterfilla c18 814cv phun nhiên liệu điện tử nên rất tiết kiệm nhiên liệu, tốc độ hành trình 6,5 hải lý chỉ tiêu tốn khoảng 16-18 lít dầu, giúp tiết giảm chi phí chuyến biển. Ăn nên làm ra, mọi việc thuận buồm xuôi gió, nên lương bình quân lao động qua các chuyến biển hơn 9 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, ông Lê Văn Sang còn thí điểm lót gỗ trên toàn bộ mặt bong bằng gỗ kiền kiền, tuy chi phí đầu tư ban đầu hơn 150 triệu đồng nhưng rất thuận lợi cho thuyền viên thao tác, chống nóng cho hầm đá, bảo quản được mặt bong tốt hơn và giảm chi phí sơn bảo quản hàng năm...
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Đà Nẵng, đánh cá cũng là một ngành công nghiệp. Muốn thành công phải tổng hợp nhiều yếu tố, đó là con tàu, công nghệ khai thác, công nghệ chế biến, kỹ thuật vận chuyển và cái quan trọng là quyết định nguồn cá ở đâu?
Tuy nhiên, với những yếu tố thuận lợi nhiều con tàu vỏ thép như của ngư dân Lê Văn Sang ở Đà Nẵng đang làm ăn khá thuận lợi. Đây là kết quả của việc chủ động bám sát hơn trong khâu đóng tàu vỏ thép của ngư dân địa phương.