Điều kiện kinh doanh: Chỉ còn cách xóa bỏ hết và làm lại
Ảnh minh họa |
CIEM cũng phải trình giấy phép “được nghiên cứu khoa học”
"Chúng ta một mặt muốn có thị trường nhưng lại yêu cầu mọi DN làm gì đều phải xin phép Nhà nước. Chúng tôi đắn đo và suy nghĩ rất nhiều", ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã nói như vậy khi công bố báo cáo của CIEM về điều kiện kinh doanh (ĐKKD).
Theo báo cáo này, ĐKKD đang chồng lấn, xếp tầng lên nhau. Trong từng lĩnh vực cụ thể, mỗi ngành nghề kinh doanh “mẹ” lại gồm nhiều ngành nghề kinh doanh “con”, ĐKKD “cháu”. ĐKKD nhiều đến nỗi ông Hiếu đã phải diễn tả bằng “cây phả hệ ĐKKD” với 243 điều kiện kinh doanh “mẹ” và hơn 600 ĐKKD “con”.
Trung bình 1 ĐKKD “mẹ” có 25 ĐKKD “con”. Mỗi “con”, trung bình có thêm 5- 6 “con” nữa, như vậy hàng “cháu” đếm được đến con số nghìn.
Đếm sơ thấy, số ĐKKD trong ngành Công thương là 700, của ngành Giao thông vận tải có 376 điều kiện, Tài chính 490 điều kiện, Y tế 327 điều kiện, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 270 điều kiện kinh doanh…
“Người ta đang coi ĐKKD là công cụ quản lý Nhà nước với tư duy quản lý bằng mọi giá, họ chỉ nghĩ làm sao để quản lý mà không tính đến quy định như thế chi phí của DN sẽ tăng lên đến đâu. Tôi được nghe rất nhiều cuộc điện thoại nói “bỏ đi thì chúng tôi quản lý bằng gì”, ông Hiếu cho biết.
Viện trưởng CIEM – TS. Nguyễn Đình Cung kể CIEM cũng bị đòi hỏi phải có “giấy phép được nghiên cứu khoa học”.
Sự phức tạp, chồng lấn, rắc rối của những quy định về ĐKKD đó đang đẩy DN và nhà đầu tư vào tình trạng “tôi muốn đầu tư mở trường mẫu giáo mà không biết phải có những giấy tờ gì cho đủ”. Tỏ vẻ chán nản, ông Cung nói: “Người cao huyết áp đừng đọc ĐKKD”. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Ban Pháp chế VCCI thì nói “Giấy phép kinh doanh nói mười mấy năm nay càng đi càng rối, càng cải cách càng không đạt mục tiêu”.
Theo ông Tuấn, ĐKKD ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn không dùng từ giấy phép mà nhiều loại khác nhau, kiểu như DN phải thông báo giá nhưng thông báo nhưng phải được cơ quan nhà nước xác nhận, hay ấn phẩm xuất bản phải dán tem…
Phải thành lập cơ quan “chặt chém” quy định kinh doanh
Nguy hiểm hơn, ĐKKD được ban ra không chỉ để đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước mà thay vì cạnh tranh trực tiếp thì dùng giấy phép và ĐKKD để loại đối thủ. ĐKKD dựa vào quy mô, đưa ra ĐKKD để loại các đối thủ, tạo quyền lợi cho một nhóm nhất định, tạo quyền lực cho bộ quản lý...
Ông Tuấn chỉ ra có những điều kiện mà DN muốn cũng không cách nào đạt được, như: NĐ 86/2014 về ĐKKD vận tải ô tô thì ô tô vận tải nội bộ cũng phải có phù hiệu, muốn có phù hiệu thì phải có giấy phép kinh doanh vận tải. DN có vốn đầu tư nước ngoài trên 51% thì không được cấp phép vận tải. Nên có những DN nước ngoài có đội xe vận tải riêng của mình không có cách nào để tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
“Giấy phép kinh doanh – loại bỏ được rất khó nhưng chúng mọc lại rất dễ”, theo ông Tuấn. Quả thực không ít những giấy phép con đã bị cắt bỏ nhưng năm trước nay lại hồi sinh. Và ông Phan Đức Hiếu nhiều lần thốt lên từ “thất bại” khi nói về vấn đề ĐKKD, giấy phép kinh doanh.
Không thể kéo dài tình trạng ĐKKD, giấy phép kinh doanh và những quy định kiểu đó tiếp tục sinh sôi can thiệp quyền tự do kinh doanh của người dân, của DN, vậy phải có cơ chế kiểm soát ĐKKD, nhưng cơ chế nào, cách nào.
Nếu có cải cách được điều kiện kinh doanh thì hàng loạt ràng buộc pháp lý nữa vẫn tồn tại. Và bên cạnh ĐKKD còn là một hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phải đáp ứng hàng loạt các nghĩa vụ báo cáo khác nữa… Hình thức ĐKKD cũng biến dạng và khó nhận diện và đã xuất hiện nguy cơ rằng ĐKKD giảm thì đẩy sang quy chuẩn kỹ thuật như vậy gánh nặng cho DN không giảm mà tăng lên.
Ông Hiếu thừa nhận, chúng tôi rà soát, đánh giá điều kiện hiện nay nhưng “con đường phía trước sẽ thế nào, chúng tôi cũng chưa biết”. Theo ông, với ĐKKD, nếu làm theo cách đã làm là rà soát - loại bỏ (cho dù đã có lúc thành công cắt bỏ hàng nghìn giấy phép con) sẽ thất bại.
TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng “người ta” rất khó tự giác bỏ ĐKKD và người cắt bỏ điều kiện đi thì ít người nghĩ ra thì nhiều, bỏ được điều kiện này lại thấy sinh ra hai ba quy định khác…
“Phải chặt chém quy định chứ không chỉ là ĐKKD, mà phải thành lập cơ quan độc lập có chức năng chính là cắt xén quy định như Hàn Quốc, Anh và Thụy Điển đã làm”, ông Hiếu đề xuất. Theo ông, hãy xóa bỏ hết những quy định về ĐKKD hiện nay để các bộ ngành tự xác định và xây dựng ĐKKD mới. Theo cách này mới có hy vọng.