“Điều lạ” trong con số tăng trưởng
Ảnh minh họa |
Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Hà Quang Tuyến quả quyết tăng trưởng GDP năm nay hoàn toàn có thể đạt mức 6,5% như mục tiêu đề ra. Thậm chí, mức này còn là tiết giảm so với điều kiện thực tế có thể đạt được.
Các diễn biến “lạ” có thể nhìn thấy trong con số tăng trưởng 9 tháng đầu năm nay, khi quý III/2015 GDP vọt lên mức tăng 6,81% so với cùng kỳ, một mức rất lâu mới lại đạt được. Giả sử nền kinh tế vận hành đúng như quy luật mọi năm, quý IV các ngành “chạy nước rút” hơn, thì triển vọng kinh tế cả năm nay có thể sẽ vượt kế hoạch tăng trưởng đề ra. Nhưng, những điều chỉnh đang diễn ra trong nội bộ nền kinh tế có thể cho một kết cục rất khác vào cuối năm nay.
Nhìn lại nguyên nhân chính tạo nên cú huých cho tăng trưởng các quý gần đây, Tổng cục Thống kê cho biết, đóng góp của ngành khai khoáng là rất đáng lưu ý. Tốc độ tăng trưởng sản lượng của ngành này đạt khoảng hơn 8% trong 9 tháng đầu năm. Do đây là ngành có giá trị gia tăng lớn, tỷ trọng trong GDP khá cao nên mức đóng góp vào tăng trưởng vì vậy rất đáng kể.
Nhưng, ông Tuyến cho biết thêm, sự “lạ” đối với ngành khai khoáng năm nay là ở chỗ, các năm trước, sản lượng khai thác được đẩy mạnh vào giai đoạn từ nửa cuối năm khiến GDP cuối năm chịu tác động lớn từ diễn biến này. Nhưng năm nay, sản lượng khai thác ngành khai khoáng được đẩy mạnh từ đầu năm. Cho đến thời điểm này, khả năng đạt mục tiêu sản lượng là khá cao. Dường như cũng vì vậy, một biểu hiện “lạ” nữa là hoạt động khai khoáng đang chững lại trong thời gian gần đây.
Đó cũng là nguyên nhân khiến ông Tuyến không “sẵn sàng” với dự báo tăng trưởng cao hơn mục tiêu 6,5%. Bởi lẽ, nhìn lại ngành nông nghiệp, diễn biến thời tiết bất lợi thời gian qua đem đến dự báo không mấy lạc quan đối với cà phê Tây Nguyên, lúa và hoa màu… ở nhiều địa phương.
Trong khi đó, công nghiệp chế biến còn nặng tính gia công, dù sản lượng tăng nhưng giá trị gia tăng không cao để đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng. Bối cảnh ấy cho thấy, những mức tăng trưởng cao liên tiếp được công bố trong các quý gần đây được “gắn tên” với khai khoáng.
Nhưng, chính qua phân tích của cơ quan thống kê nêu trên, nổi lên là vấn đề tăng trưởng thiếu bền vững của nền kinh tế. Rõ ràng, một nền kinh tế có tăng trưởng phụ thuộc vào khai khoáng cũng có nghĩa rằng dư địa về dài hạn không thể đoán định. Những vấn đề lớn như năng lực cạnh tranh, sức mạnh nội lực trước các cuộc chơi hội nhập, vấn đề xây dựng môi trường kinh doanh thúc đẩy nguồn lực trong nước… chưa thể nói là đã được hoàn thiện.
Một nền kinh tế được điều hành để đạt được mục tiêu tăng trưởng thông qua “đào bới” khoáng sản không tái tạo có thể được “che đậy” bằng những con số đẹp về GDP, nhưng không thực chất, bền vững trong dài hạn? Những DN “chết” liên tiếp vừa qua vì khó khăn không thể phát đi cảnh báo thay đổi cục diện nền sản xuất? Sự chuẩn bị của nền sản xuất trước các áp lực mới khi hội nhập cũng có thể không được như cần phải thế?...
Đó phải chăng mới là điều cần nhìn nhận hơn cả sau con số tăng trưởng ngày càng cải thiện hiện nay!