DN ngóng biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi
Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất-nhập khẩu (DNXNK) tại TP. HCM cho biết, kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, thì vấn đề thuế, hải quan được các DN hết sức quan tâm. Trước tiên, các DN xuất khẩu muốn biết được lộ trình cắt giảm thuế suất cụ thể để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp; còn DN nhập khẩu muốn nắm bắt mức thuế giảm khi nhập khẩu ra sao để tính toán sao cho có lợi nhuận nhất.
Dự kiến có khoảng 300 mặt hàng sẽ được giảm thuế, tạo điều kiện cho DNXNK |
Trước đó, để triển khai thực hiện cam kết về thuế XNK của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP, Dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn đã được Bộ Tài chính xây dựng và trình Quốc hội để thông qua với khoảng 300 mặt hàng sẽ được giảm thuế.
Trong biểu thuế này, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cố gắng đưa ra biểu so sánh thuế suất theo các FTA so với CPTPP để DN lựa chọn các mức thuế suất ưu đãi phù hợp. Biểu thuế bao gồm 2 nhóm là những nước đã thực hiện CPTPP từ cuối năm 2018 (gồm Canada, Úc, New Zealand và Singapore) và nhóm nước thực hiện từ năm 2019.
Tuy nhiên, để được áp dụng thuế suất ưu đãi DN phải có C/O ưu đãi. Và C/O trong CPTPP là chứng từ chứng nhận xuất xứ có thể được cấp cho nhiều lô hàng với điều kiện không quá 12 tháng và có thể cấp cho nhiều nhà nhập khẩu khác nhau. Cam kết cắt giảm thuế của các nước thành viên sẽ là cơ hội xuất khẩu cho các DN.
Ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, mở cửa hội nhập là để phát triển kinh tế đất nước, song đồng thời các DN trong nước cũng phải đối mặt với những cạnh tranh hết sức gay gắt về XNK hàng hóa. Khi thực hiện CPTPP, nhiều quốc gia phải cam kết loại bỏ và cắt giảm thuế quan mạnh mẽ. Ngoài ra, CPTPP được thừa hưởng các quy tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ tiên tiến từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thủ tục chứng nhận xuất xứ được đơn giản hóa… Đây là cơ hội để DN Việt Nam đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, XNK hàng hóa, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, khi thực hiện CPTPP, GDP của Việt Nam có thể tăng 1,32%; kim ngạch xuất khẩu có thể tăng 4,04% và kim ngạch nhập khẩu có thể tăng 3,8%. Các nước tham gia CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, theo lộ trình và tùy theo cam kết của từng nước. Một số chuyên gia nhận định, CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu rộng.
Thực tế, thời gian qua, các DN xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may và da giày đã và đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada. Còn tại thị trường Nhật Bản, đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam, trong đó có tôm đông lạnh và tôm chế biến được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, các mặt hàng như cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, một số loài cá tuyết, tôm, cua... cũng được hưởng thuế suất 0%. Với những thuận lợi ấy, nhiều DN XNK của Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến lược bứt phá mới, tận dụng tối đa cơ hội trong hội nhập quốc tế.