DN thủ công mỹ nghệ: Đổi mới để hội nhập
Ảnh minh họa |
Bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội TCMN làng nghề Hà Nội cho biết, đây là một trong các cơ hội vô cùng lớn cho các DN xuất khẩu nói chung và các DN ngành TCMN nói riêng. Khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ, các DN sẽ có nhiều thuận lợi trong xuất khẩu.
Đánh giá về thị trường và cơ hội mở rộng xuất khẩu, Giám đốc Công ty TNHH Direkt Á Châu (Ba Đình, Hà Nội) Nguyễn Nhật Hùng cho biết, hiện nay hàng TCMN của Việt Nam đang được nhiều nước ưa chuộng. Từ đầu năm đến nay, công ty đã nhận được rất nhiều đơn hàng của các thị trường châu Âu như Phần Lan, Nga, Thụy Sỹ, Đức, Tây Ban Nha… đối với các sản phẩm hàng TCMN như mây, tre, bèo, cói, gốm…
Tại thời điểm này, công ty tiếp tục nhận được một số đơn đặt hàng nhằm phục vụ nhu cầu cuối năm. Có thể thấy, các sản phẩm TCMN Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn, ông Hùng khẳng định.
Trên thực tế, 85% DN sản xuất kinh doanh mặt hàng TCMN đều tham gia xuất khẩu. Hiện nay, hàng TCMN Việt Nam có nhiều lợi thế khi không ít đơn hàng xuất khẩu đang chuyển dịch từ Trung Quốc về. Qua một số hội chợ hàng TCMN được tổ chức trong nước và quốc tế, các đối tác thương mại đều đánh giá hàng TCMN Việt Nam được ưa chuộng bởi mẫu mã phong phú, giá cả hợp lý và mang nhiều bản sắc văn hóa.
Tuy nhiên, hội nhập cũng đòi hỏi các DN ngành hàng TCMN cần có những đổi mới về công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã; giảm giá thành; đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn của những thị trường tiềm năng.
Bên cạnh những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc hàng hóa thì các DN còn phải cạnh tranh với chính các DN của nước ngoài đang có xu hướng đổ bộ vào Việt Nam.
Đánh giá về những thách thức hiện nay, theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam, so với một số nước trong khu vực, hàng của Việt Nam đang kém cạnh tranh hơn. Do đó, các DN sản xuất hàng TCMN của Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến thiết kế, tính mỹ thuật, văn hóa và phải liên tục đổi mới sản phẩm. Bởi vậy, ngay từ lúc này các DN cần chuẩn bị hành trang tốt nhất để sẵn sàng hội nhập, nếu không sẽ bị tụt hậu và khó đứng vững.
Với Hà Nội – nơi được cho là cái nôi của ngành TCMN Việt Nam với 1.350 làng, hàng chục nghìn DN, cơ sở sản xuất, trong đó có trên 3.000 DN kinh doanh xuất khẩu, những thách thức từ hội nhập cũng được đánh giá từ khá sớm.
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển ngành TCMN, thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, ký kết hợp đồng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các làng nghề từ đào tạo nghề, thiết kế mẫu mã sản phẩm đến xây dựng thương hiệu, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tham gia vào thị trường quốc tế rộng lớn, trước hết năng lực của các DN phải được phát huy để đảm bảo khả năng cạnh tranh từ nội tại.
Chính vì vậy, đứng trước những đòi hỏi từ thực tế, nhiều DN ngành hàng TCMN đang chuyển hướng chiến lược hành động. Công ty Quang Vinh đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng quốc tế. Hiện nay, công ty chuyên sản xuất kinh doanh hàng gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Đan Mạch, Na Uy...
Chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị cho hội nhập, đại diện Công ty Quang Vinh, các DN, làng nghề bên cạnh đầu tư sản xuất các sản phẩm chất lượng, có bản sắc, cần có một đội ngũ chuyên gia giỏi và nguồn nhân lực tay nghề cao. Với những chiến lược cơ bản, tính đến thời điểm này, doanh thu của Công ty Quang Vinh năm 2015 đã cao hơn khoảng 20% so với năm 2014.