Đổi mới kinh tế vẫn theo kiểu “dò đá qua sông”
Trong khi PGS.TS. Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, tư duy nóng vội, muốn phát triển thị trường lao động hiện đại và coi nhẹ thị trường lao động nông thôn, không thừa nhận hoặc “coi thường” thị trường lao động phi chính thức xuất hiện trong cả hệ thống lý luận lẫn hệ thống chính sách thực thi. Điều này dẫn đến sự khiếm khuyết trong chính sách.
Đây là 2 trong số những phát biểu ấn tượng tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế”. Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 30/9/2016 với tài trợ từ Tổ chức Friedrich Naumann Stiftung (Cộng hòa Liên bang Đức).
Thị trường lao động Việt nam vẫn bị phân mảng với nhiều đường cung - cầu khác nhau, thị trường lao động nông thôn bị coi nhẹ , thị trường lao động phi chính thức không thừa nhận hoặc “coi thường” |
Đã xuất hiện mới và phát triển hơn một số thị trường
“Là một là một mô hình kinh tế hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trên thế giới, mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực”, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định.
Những kết quả tích cực được chỉ ra như: Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi hơn cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đã dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế...
Đồng tình như vậy, song đi sâu phân tích từng thị trường, TS. Hoàng Xuân Hòa - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá: Thị trường hàng hóa, dịch vụ đã phát triển và hoàn thiện về quy mô, cơ cấu hàng hóa - thị trường, kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, cơ chế quản lý và mức độ cạnh tranh. Thị trường tài chính - tiền tệ phát triển khá mạnh, sôi động.
Thị trường lao động đã hình thành với nguồn cung dồi dào, quy mô thị trường phát triển khá nhanh. Quy mô thị trường bất động sản cả về cung và cầu đã phát triển mạnh làm thay đổi diện mạo đô thị, cải thiện điều kiện sống, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.
Thị trường khoa học - công nghệ đang hình thành và phát triển, số lượng và giá trị giao dịch công nghệ có bước tiến đáng kể. Thị trường một số loại dịch vụ công cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục có bước phát triển mới, huy động được các nguồn lực ngoài NSNN tham gia. Đã xuất hiện mới và phát triển hơn một số thị trường…
Cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ
"Tuy nhiên, kết quả triển khai, thực thi thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn hạn chế, chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển", PGS. Bùi Tất Thắng nhìn nhận.
Theo ông, hiện quyền tự do kinh doanh vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường đầu tư, kinh doanh cũng chưa thật sự thông thoáng bình đẳng; giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa tuân theo nguyên tắc thị trường… Bên cạnh đó, trình độ phát triển của các loại thị trường thấp, vận hành chưa thật sự đồng bộ, thông suốt.
TS. Lan Hương bổ sung, "các chính sách lao động thường bị coi nhẹ, không gắn với chính sách kinh tế và không được xem xét thấu đáo khi xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, và luôn được nhắc đến sau cùng kiểu bổ sung thêm. Chính sách lao động chỉ được chú ý đến khi có các vấn đề gay cấn, bức xúc, bất ổn xảy ra”.
Nguyên nhân cũng bởi, nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là về vai trò của Nhà nước, kinh tế Nhà nước, DNNN, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, phân bổ nguồn lực... chưa đủ rõ, còn khác nhau, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới.
“Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá đói, giảm nghèo, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, ông Thắng phát biểu.
Theo các chuyên gia, để “xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế”, trọng nhất là phải thống nhất nhận thức “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước’.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo ghi nhận, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, các kiến nghị đề xuất rất sâu sắc, mang tính đột phá. "Nội dung hội thảo sẽ được chắt lọc, hoàn thiện nội dung Đề án “Phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế”, kết quả nghiên cứu của đề án sẽ trình các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, ra văn bản phù hợp để vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nói riêng và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung", ông cho biết.