Dồn sức cho bám biển
Ảnh minh họa |
Trong một phiên chất vấn tại Quốc hội vào giữa tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Cao Đức Phát cho biết trong giai đoạn 2015-2020 tổng nguồn kinh phí mà Chính phủ dành cho hoạt động hỗ trợ ngư dân ước khoảng 4.500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2014.
Những con số mà ông Phát đưa ra hoàn toàn có thể đạt được, bởi so với mục tiêu mà Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đề ra, tính đến thời điểm hiện nay nguồn vốn ngân sách mới chỉ bắt đầu “khơi dòng” với khoảng vài chục tỷ đồng ban đầu.
Đến giữa tháng 5/2015, các TCTD trên cả nước mới chỉ cho vay được khoảng 525 tỷ đồng giúp ngư dân có vốn đóng mới, nâng cấp 52 tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần. Vì thế trong thời gian vài năm tới sẽ có hàng nghìn tỷ đồng khác được cấp bù cho các TCTD để các đơn vị này thực hiện cho vay lại, giúp ngư dân các địa phương đóng mới 2.200 tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần.
Quan sát thực tế cho thấy, chính sách hỗ trợ tài chính cho ngư dân bám biển không phải chỉ đến từ Nghị định 67. Trong vòng từ năm 2013 đến nay, ít nhất có thêm 3 chính sách khác được Chính phủ ban hành, trong đó có những điều khoản ưu ái nguồn vốn cho ngư dân.
Có thể kể đến đầu tiên là Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Tại Nghị định này, Chính phủ đưa ra mức hỗ trợ cao nhất đối với DN đầu tư vào các dự án nuôi trồng hải sản tập trung trên biển. Cụ thể, nếu DN nào thực hiện dự án nuôi trồng hải sản ở các khu vực ven biển sẽ được hỗ trợ từ 40-100 triệu đồng cho mỗi 100 m3 lồng nuôi, trong khi đó mức hỗ trợ cho các dự án chăn nuôi khác ở khu vực đất liền chỉ dao động từ 5-15 triệu đồng.
Một chính sách hỗ trợ tài chính khác là Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch. Với việc sửa đổi mức hỗ trợ so với các Quyết định 63 và 65 trước đó, các loại máy móc thiết bị phục vụ hoạt động đánh bắt cá ngoài khơi như: máy dò cá, hệ thống thu-thả lưới câu, hệ thống thông tin liên lạc, buồng cấp đông, hệ thống cấp đông, hệ thống lọc nước biển làm nước đá… cũng được đưa vào danh mục được các TCTD cho vay lãi suất thấp, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu và 50% từ năm thứ 3 trở đi.
Mới đây nhất, với việc ban hành Nghị định 55 thay thế Nghị định 41 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, một lần nữa mức hỗ trợ ngư dân bám biển lại được nâng lên so với giai đoạn trước.
Cụ thể, nếu tại Nghị định 41 các hợp tác xã, đơn vị kinh tế hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; khai thác, cung cấp các dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ được đặt chung trong nhóm các “tổ chức cá nhân hoạt động sản xuất, chế biến, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn nông thôn” và chỉ được vay vốn không cần tài sản thế chấp ở mức tối đa 500 triệu đồng thì hiện nay, với quy định mới tại Nghị định 55 nhóm đối tượng này được tách riêng và được vay tối đa tới 3 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp.
Như vậy, với hàng loạt các chính sách hỗ trợ tài chính hiện nay, nguồn vốn để ngư dân đầu tư cho phát triển kinh tế biển có thể xem là rất thuận lợi và nhận được nhiều ưu đãi. Thực tế, khi vay vốn theo các chính sách tín dụng nói trên, lãi suất mà ngư dân phải trả cho các NH chỉ dao động từ 1-3%/năm, phần còn lại được ngân sách từ trung ương và địa phương hỗ trợ. Với mức lãi suất cực thấp này cộng với việc kết hợp đan xen giữa nhiều chính sách hỗ trợ tài chính, cơ hội tiếp cận nguồn vốn của ngư dân chắc chắn sẽ lớn hơn và hiệu quả đồng vốn hỗ trợ sẽ ngày càng thiết thực hơn đối với hàng chục triệu ngư dân sống ven các vùng biển trên cả nước.